Thành phố Kon Tum: ​Nông dân lao đao tìm đầu ra cho cây nghệ

29/03/2018 18:19

​Đã vào chính vụ thu hoạch, nhưng người trồng nghệ ở xã Vinh Quang vẫn không thể thu hoạch vì chưa tìm được đầu ra. Một số chủ vườn phải chấp nhận thu hoạch nhỏ giọt bán "lai rai" cho các chủ lò sản xuất tinh bột nghệ...

5 sào đất trồng nghệ đỏ của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phương (thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) nằm trên một quả đồi ở khu vực giáp ranh giữa xã Vinh Quang và xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum). Để vào đến được vườn nghệ của anh, tôi phải mất hơn 30 phút chạy lòng vòng qua những ngọn đồi.

Đây là diện tích đất vợ chồng anh thuê với giá 2 triệu đồng/năm, chủ đất mới xuống giống cao su. Trong thời gian cây chưa khép tán, họ cho thuê trồng xen canh nghệ để tăng thu nhập.

Người trồng nghệ thua lỗ vì mất mùa và đầu ra không ổn định. Ảnh: T.H

 

Dưới trời nắng gắt, cả khu đồi không có một bóng cây, hơn chục lao động đang lui cui làm việc. Trong đó, khoảng 4-5 người đàn ông dùng cuốc đào những gốc nghệ đổ đã rụi hết lá- dấu hiệu cho thấy đã đến kỳ khai thác; 5-6 phụ nữ thì nhặt nghệ, bỏ vào bao tải, sau khi làm sạch, không để đất bám.

Ngồi trong mái lán làm tạm bằng miếng tôn cũ, cứ lật bật muốn bay mỗi khi có gió, anh Phương vừa gạt mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt sạm nắng vừa kể: Tháng 5/2017, qua giới thiệu của bạn bè, tôi ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV dược liệu ĐS (trụ sở đặt tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum)  để trồng nghệ đỏ. Phía doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thu mua 8.000 đ/kg, nghe nói là để sản xuất bột nano Curcumin.

Sau đó, tôi thuê gần 4 ha đất, mua giống, thuê người trồng, chăm sóc. Theo yêu cầu của doanh nghiệp, quy trình chăm sóc phải đảm bảo không sử dụng chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ. Tính ra, chi phí cho 1 ha khoảng 40 triệu đồng, từ mua giống, phân bón, rồi thuê nhân công làm cỏ, bón phân.

Nhưng đến mùa thu hoạch thì chờ mãi chẳng thấy người của doanh nghiệp đến theo hẹn, gọi điện cho giám đốc doanh nghiệp thì không liên lạc được, đến trụ sở thì đóng cửa, chẳng biết làm sao, trong khi nghệ đến kỳ thu hoạch, nếu để đó, mưa xuống sẽ thối hết.

Thế là vợ chồng anh Phương phải chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho nghệ. Qua giới thiệu của bạn bè, anh liên hệ được với một cơ sở chế biến tinh bột nghệ ở tỉnh Gia Lai, họ đồng ý mua với giá 5.000 đ/kg. Tuy nhiên, lượng thu mua hàng ngày phụ thuộc vào khả năng sản xuất tinh bột của họ, nên không thể thu hoạch và xuất bán 1 lần, mà phải bán lai rai, mỗi lần 1 ít, khi nào cần họ báo lại mới thu hoạch.

Vì thu hoạch dần như vậy nên mất công sức, tốn kém và mệt kinh khủng, nhất là khoản thuê nhân công thu hoạch, mỗi khi cơ sở chế biến nhập hàng lại phải thuê nhân công với giá 120.000/người/ngày (nhặt nghệ) và 150.000 đồng/người/ngày (đào nghệ)- chị vợ than thở.

 Nhưng có còn hơn không- vợ chồng anh Phương động viên nhau. Bởi theo chị, trong làng của anh có nhiều nhà trồng nghệ, không có quy mô như anh chị, mỗi nhà khoảng vài ba sào cũng đang vất vả tìm đầu ra. Một người cháu của anh có hơn 1 sào nghệ, không tìm được đầu ra nên bỏ đó không thu hoạch. 

Chỉ tay về ngọn đồi phía trước, giọng anh Phương chất chứa nỗi lo: Ở khu đồi bên kia tôi còn hơn 3 ha nghệ đỏ nữa, thuê đất của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (đang thời kỳ kiến thiết cơ bản) cũng phải thu hoạch nhưng chưa có người mua đấy. Trong khi đó mùa mưa đã đến rồi, không khéo thối hết.

Họa vô đơn chí, năm nay do nhiều sâu bệnh nên cây nghệ chết hàng loạt, năng suất giảm mạnh. Năm ngoái, năng suất bình quân đạt 25-30 tấn/ha, năm nay chỉ được khoảng 6-7 tấn/ha. "Giả sử bán được hết với giá 5.000 đồng/kg, so với vốn đầu tư, người trồng nghệ lỗ khoảng 5-10 triệu đồng/ha, nói gì đến thu hồi vốn hay có lời"- anh Phương nhẩm tính.

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Hà Đường- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho rằng nghệ là giống cây trồng mới, nằm trong danh sách các loại cây dược liệu, song chưa được quy hoạch trồng trên địa bàn.

Phòng đã cử cán bộ đi khảo sát, nắm tình hình, theo đó, tổng diện tích nghệ thống kê được là khoảng 40 ha (30 ha nghệ vàng và 10 ha nghệ đỏ), chủ yếu ở các xã Vinh Quang, Hòa Bình, Kroong, phường Ngô Mây (hơn 34 ha), ở một số xã khác người dân trồng rải rác (khoảng 50m2-150m2/hộ)- ông Hà Đường thông tin.

Gần 4 ha nghệ đỏ của gia đình anh Phương phải bán ''nhỏ giọt'' cho cơ sở sản xuất tinh bột nghệ. Ảnh: T.H

 

Theo ông Hà Đường, việc phát triển diện tích nghệ trên địa bàn chủ yếu tự phát, do thấy năm ngoái một số hộ dân trồng nghệ được mùa, được giá nên trồng theo. Hiện nay, trên địa bàn thành phố chưa có cơ sở chế biến nghệ, cũng như chưa có hệ thống thu mua loại nông sản này một cách bài bản, đảm bảo đầu ra cho bà con nên sản phẩm chủ yếu bán cho tư thương, đầu ra và giá cả không ổn định.

Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ trước khi mở rộng diện tích trồng nghệ, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, gây nên những thiệt hại đáng tiếc- ông Hà Đường cho hay.

Thành Hưng

Chuyên mục khác