Thanh niên nỗ lực vượt khó làm giàu

19/10/2020 06:05

Quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, từ nhỏ, chàng thanh niên Nguyễn Đình Đức (32 tuổi, Trưởng thôn 12, xã Đăk Tờ Re) theo gia đình vào lập nghiệp ở huyện Kon Rẫy. Không cam chịu cảnh nghèo, với ý chí quyết tâm và sự cần cù lao động, chàng thanh niên trẻ đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp “Vườn - Ao - Chuồng” mang lại thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Dưới cơn mưa nặng hạt giữa tháng 9, phải mất hơn nửa giờ đồng hồ vật lộn trên con đường dốc đất đỏ dẫn vào khu sản xuất của thôn 12, chúng tôi mới đến được khu vườn của gia đình anh Nguyễn Đình Đức- một trong những gương thanh niên lập nghiệp tiêu biểu của huyện Kon Rẫy .

Năm 2008, anh Đức đi nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 990 đóng quân tại xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) và với sự nỗ lực rèn luyện, anh đã vinh dự được kết nạp Đảng trong thời gian này. Hết nghĩa vụ quân sự, anh Đức trở về địa phương với cuộc sống của một công dân bình thường. Với đức tính cần cù, chịu khó, phát huy tính tiền phong của tuổi trẻ, anh Đức cùng gia đình tích cực lao động, tiến hành khai hoang đất đai phát triển kinh tế. Khai hoang đến đâu, anh Đức trồng mì và trồng lúa nước đến đó.

Sau khi khai hoang được hơn 7ha, đến năm 2012, nhận thấy việc trồng mì, trồng lúa không hiệu quả, ngoài một số vốn ít ỏi tích lũy được, anh Đức quyết định vay thêm vốn đầu tư vào trồng cà phê và các loại cây ăn quả. Anh tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích, đồng thời tận dụng đất trống anh đầu tư phát triển chăn nuôi, bò, gà, vịt và đào ao nuôi cá.

Anh Đức với vườn cà phê trĩu quả của mình. Ảnh: Đ.T

 

Sau nhiều năm nỗ lực lao động sản xuất, đến nay, anh Đức đã có trong tay trang trại tổng hợp với tổng diện tích gần 17ha. Trong đó, có 11ha gồm cây mì, cà phê xen canh cây ăn quả bơ, dừa, cam, quýt, bưởi, xoài; 1 ha cây lúa nước; 6 ao thả cá với tổng diện tích hơn 6.000m2 nuôi các loại cá trắm, cá chép, cá mè và cá rô phi. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư mua thêm một máy xúc đào đa năng để vừa phục vụ cho việc sản xuất, vừa nhận làm thêm để tăng thu nhập. 

Với mô hình kinh tế của mình, anh Đức có nguồn doanh thu ổn định hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Từ nguồn thu này, anh mua được đất, xây được ngôi nhà  kiên cố, khang trang. Cuộc sống gia đình anh Đức không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn, thoát khỏi cảnh nghèo mà đã có “của ăn của để”, trở thành một trong những tấm gương vượt khó, sản xuất giỏi trên địa bàn xã Đăk Tờ Re.

Anh Đức tâm sự, con đường lập nghiệp chưa bao giờ suôn sẻ. Cho đến nay, anh Đức vẫn nhớ như in những tháng ngày vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, một mình cầm rựa khai hoang từng mảnh đất, cầm xẻng đào và đắp bờ cho từng mảnh ao nuôi cá giữa cái nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên. Hay những thất bại khi thời gian đầu trồng cà phê bị chết, năng suất thấp vì chưa có kỹ thuật; hoặc khi anh quyết định chuyển đổi hơn 8 sào trồng lúa nước sang trồng cây ớt (vào năm 2015) bị thất bại vì giá thu mua xuống thấp, làm lỗ hàng chục triệu đồng.

Những thất bại tưởng chừng đã làm nhụt chí chàng thanh niên trẻ Nguyễn Đình Đức, tuy nhiên với ý chí và nghị lực, cùng sự quyết tâm vượt khó của mình, anh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và bước đầu mô hình kinh tế của anh đã cho thu nhập cao và ổn định.

Ngoài trời mưa đã tạnh, những tia nắng bắt đầu xuất hiện, anh Đức dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của gia đình. “Hi vọng cuối năm nay, cà phê sẽ được mùa và được giá, qua đó giúp tôi có thêm nguồn kinh phí để đầu tư trồng chuyên canh cây ăn quả trên diện tích gần 6ha chưa canh tác của gia đình trong năm tới”, anh Đức vừa nâng niu cành cà phê trĩu quả vừa nói với chúng tôi.     

Đức Thành

Chuyên mục khác