Thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp

29/08/2018 07:17

​Vượt qua những khó khăn, tiềm ẩn may rủi của “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” và những đợt giải cứu nông sản…, không ít bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã chọn khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp và gặt hái không ít thành công.

Không để thanh niên “tự bơi”

Khi bắt tay vào khởi nghiệp, thanh niên có nhiều lợi thế: tư duy đổi mới, ước mơ lớn, năng động, sáng tạo…. Nhưng, đi cùng với đó, thanh niên lại thiếu đi kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu một hướng đi… Đặc biệt, khi thanh niên chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp - lĩnh vực lâu nay vẫn được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro - thì những bước đi đầu tiên đã khó lại càng thêm khó.

Thanh niên vì thế rất cần có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Họ cần được định hướng chọn loại cây, con để phát triển; cần được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn lực, mở rộng các mối quan hệ…

Không để thanh niên “tự bơi”, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm xây dựng hệ sinh thái cho người trẻ khởi nghiệp: thành lập Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập Quỹ khởi nghiệp tỉnh; xét duyệt, hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp… Từ sự hỗ trợ đó, nhiều thanh niên đã mạnh dạn, bắt tay vào khởi nghiệp.

Điều đáng nói, trong số các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh thì phần lớn lại bắt đầu từ nông nghiệp.

Lấy đơn cử từ 11 dự án, ý tưởng khởi nghiệp được Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ đợt 1 thì có nhiều dự án, ý tưởng hướng đến lĩnh vực nông nghiệp như:  "Choap choap - snack nấm đầu tiên tại Việt Nam" của tác giả Nguyễn Trọng Hòa (thành phố Kon Tum); dự án nông trại hữu cơ Nico Nico Yasai "Vùng sản xuất rau ôn đới Măng Đen Kon Plông chuỗi cung ứng thực phẩm hữu cơ của hệ thống Nico Nico Yasai" của tác giả Võ Lâm Vũ (huyện Kon Plông); dự án “Cửa hàng rau sạch Kon Tum” của nhóm tác giả Lương Hồng Nguyên, Nguyễn Quốc Bảo (thành phố Kon Tum)…

Bền Chí Thịnh (đứng giữa) với các sản phẩm dược liệu. Ảnh: N.P

 

Hay như ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, hiện nay, có 20 dự án khởi nghiệp do sinh viên khởi xướng. Trong số các dự án đó có những dự án liên quan đến nông nghiệp như: dự án “Trung tâm phân phối các sản phẩm đặc trưng của Kon Tum” nhằm giới thiệu các sản phẩm như dược liệu tự nhiên, măng khô, mật ong, nước ép sim và rượu vang sim, chuối sấy... được đánh giá có hiệu ứng, ứng dụng triển khai thực tế rất tốt, vươn ra ngoài trường học.

Đồng hành cùng thanh niên, Tỉnh đoàn đã tổ chức cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2017. Đáng chú ý là qua cuộc thi, cả 4 nhóm tác giả đạt giải đều chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp: dự án “Phát triển nghề nuôi trùn quế theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Kon Tum” của tác giả Nguyễn Trọng Tuấn đạt giải nhất; giải nhì cho dự án “Đầu tư cơ sở chế biến mủ cao su” xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà của nhóm tác giả Trần Thị Yến, Đỗ Doãn Linh và Phạm Văn Hòa; giải ba cho dự án “Hộ kinh doanh Kora” của tác giả Bền Chí Thịnh, huyện Kon Rẫy và giải khuyến khích cho dự án “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông” của nhóm tác giả Y Hương, A Trung, A Nhoai và A Sáng.

“Quả ngọt” từ gian khó

Khi được hỏi vì đâu lại chọn lĩnh vực nông nghiệp để bắt tay vào khởi nghiệp, những thanh niên đã, đang khởi nghiệp từ nông nghiệp đều cho rằng, Kon Tum có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp; số lao động tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp cao.

Và thực tế, tỉnh đã tập trung xây dựng nông nghiệp phát triển bền vững; trong đó phát triển gắn với chế biến và tiêu thụ các loại cây trồng như cà phê, cao su, rau hoa xứ lạnh, cây dược liệu và chăn nuôi trâu, bò, dê, thủy sản là thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiên, những gì đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều thế mạnh chưa được khai thác, phát huy. Đời sống của người nông dân vẫn còn những khó khăn; chất lượng, sản lượng, đầu ra, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp còn thấp… đó là những điều khiến cho các bạn trẻ trăn trở.

Khó khăn không từ nan. Và chính từ những trăn trở, khó khăn đó, không ít thanh niên đã “ló cái khôn”, tìm hướng đi riêng, lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Nhìn chung những dự án, ý tưởng, mô hình, cây, con mà các bạn trẻ lựa chọn đều gần gũi thiết thân với đồng đất Kon Tum, nhưng mang tính riêng biệt và chuyên nghiệp. Và khi đã chọn, họ kiên trì, nỗ lực hết mình trong lao động và để nhiều dấu ấn.

Khi nói đến khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhiều người vẫn hay nhắc đến Nguyễn Trọng Hòa, chàng thanh niên vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng vào năm 2016. Và tất nhiên, để hái được “quả ngọt” đó, Hòa đã trải qua quá trình khởi nghiệp với không ít gian khó. 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành vi sinh – sinh học vào năm 2011, khước từ nhiều lời mời gọi hấp dẫn, năm 2013, Hòa trở về Kon Tum, thành lập cơ sở sản xuất nấm sạch Tây Nguyên tại thôn Kon Sơ Lam 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum.

Quyết chí với hướng đi đã chọn là làm nấm sạch, Hòa “lấy ngắn nuôi dài”, không ngừng phát triển sản xuất. Cơ sở của anh nay trở thành địa chỉ cung cấp phôi nấm, meo nấm uy tín với số lượng lớn. Không chỉ cung cấp giống và nguyên vật liệu, anh còn trực tiếp chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho bà con, giúp không ít gia đình mở mang nghề trồng nấm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2014, cơ sở Sản xuất nấm sạch Tây Nguyên cơ bản lấy thu bù chi, tạo dựng nền tảng ban đầu; năm 2015, thu nhập đạt 300 triệu đồng; năm 2016, đạt 450 triệu đồng; và đến năm 2017, 2018 này, nguồn thu tiếp tục gia tăng.

Cũng như Hòa, anh Bền Chí Thịnh tại thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã chọn khởi nghiệp với dược liệu, thành lập hộ kinh doanh lấy tên KORA (lấy hai chữ đầu của huyện Kon Rẫy) từ năm 2015.

Ban đầu, Thịnh thu mua cây thổ phục linh (cây khúc khắc) do bà con thu hái dưới tán rừng để sơ chế làm thuốc bán ra thị trường. Sản phẩm đầu tay mang lại hiệu quả, có uy tín trên thị trường, Thịnh bắt tay vào sơ chế, chế biến thêm nhiều sản phẩm khác và đến nay đã sản xuất thành công 40 vị dược liệu rừng.

Nguồn nguyên liệu để cơ sở chế biến, ngoài thu mua của bà con dân tộc thiểu số thu hái dưới tán rừng, Thịnh còn liên kết với nông dân Tu Mơ Rông trồng hơn 100ha sâm dây.

Năm 2017, doanh thu của cơ sở anh đạt hơn 1 tỷ đồng. Đáng mừng là ý tưởng của anh đã đạt giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2017 do Tỉnh đoàn tổ chức, giúp anh có thêm cơ hội để mở cánh cửa khởi nghiệp.

Có thể nói, những mô hình, dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh đã gắn với chiến lược phát triển cây, con của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được các cấp, các ngành ghi nhận đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác