Tháng 9 tìm về vùng đất ngàn thông

30/09/2016 15:19

Hiện nay, khách du lịch có thể đến với Kon Plông bằng nhiều tuyến đường gồm Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 676, đường Đông Trường Sơn. Nhưng đi từ những ngả đường nào, du khách cũng đều ngỡ ngàng trước cảnh quan rừng thông thuần loại, mọc san sát cả trên những vách núi; rừng thông nối tiếp rừng thông...

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về vùng đất ngàn thông Kon Plông - nơi gợi sự tò mò cho bất cứ ai khi nghe về nó. Ngoài những câu chuyện kể về "bảy hồ, ba thác", truyền thuyết về vùng đất T’Măng Deeng (Măng Đen), những câu chuyện về tâm linh, Kon Plông còn có những cánh rừng nguyên sinh, những cánh rừng thông bạt ngàn trong gió, với sương mù, hơi lạnh và mây bay chập chùng gợi lên bao điều quyến rũ.

Rừng thông bạt ngàn ở Măng Đen. Ảnh: L.S

 

Những người già ở vùng Kon Plông kể, cây thông được trồng ở đây từ thời Pháp thuộc. Người Pháp trồng thông như muốn đánh dấu đây là vùng đất đặc biệt, ngoài khí hậu á nhiệt đới ôn hòa, thì dưới lòng đất vùng Măng Đen còn có những khoáng sản tài nguyên dồi dào. Chúng tôi được biết, khi quy hoạch xây dựng trung tâm huyện lỵ Kon Plông, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) vẫn có chút đắn đo, nhưng cuối cùng đã tham mưu Chính phủ cho phép xây dựng, vì mỏ Bauxit Măng Đen có trữ lượng trung bình và chưa đến lúc khai thác.

Chị Đào Thị Hương, một trong những công nhân tham gia trồng thông ở Kon Plông, kể: Từ vùng Nghệ An, Hà Tĩnh chúng tôi đến đây làm công nhân Lâm trường Măng Cành 1, gieo ươm và trồng rừng tập trung từ thập niên 80 của thế kỷ trước, theo các chương trình đầu tư phát triển của Nhà nước. Tôi có cảm giác mùa đông như thường trực ở vùng đất này. Những công nhân lâm trường ngày ấy luôn dầm mình trong mưa rét, trong sương muối, trong đất đỏ ba zan để trồng rừng thông. Không hiểu sao, thời kỳ đó khó khăn, vất vả là thế, nhưng cũng không làm chùn ý chí của lớp tuổi đôi mươi chúng tôi trong tiến trình đi dựng xây đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Khi biết chúng tôi tìm hiểu về cây thông Măng Đen, ông Phạm Thanh Vận - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Măng Đen cho biết thêm những chi tiết thú vị: Hầu hết, cây thông được trồng tại Kon Plông là thông hai lá (còn gọi là thông nhựa). Vùng đất này rất hợp với trồng thông hai lá. Những loài nấm trong đất ở vùng này như cộng sinh với cây thông. Nếu chuyển đất khác đến đây trồng thông, thông không lớn và sẽ chết dần. Việc trồng rừng bằng cây thông nhựa ở đây đã góp phần tích cực vào công cuộc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải tạo đất, tạo nguồn nước, góp phần ổn định hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Cảnh quan từ ngàn thông góp phần hội tụ những yếu tố, làm xao xuyến lòng người giữa lưng trời Măng Đen. 

Măng Đen nằm giữa hai con đèo ngoạn mục là đèo Violăk và đèo Măng Đen. Hiện nay, khách du lịch có thể đến với Kon Plông bằng nhiều tuyến đường gồm Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 676, đường Đông Trường Sơn. Nhưng đi từ những ngả đường nào, du khách cũng đều ngỡ ngàng trước cảnh quan rừng thông thuần loại, mọc san sát cả trên những vách núi; rừng thông nối tiếp rừng thông. Thông hiện diện bên suối, hồ, bên ghềnh thác. Thông ôm ấp nhiều ngôi biệt thự; điểm tranh cho khu du lịch tâm linh Đức mẹ Măng Đen; tôn tạo vẻ thâm nghiêm cho chùa Khánh Lâm; che mát sân Trường Dân tộc nội trú Kon Plông, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen. Thông len lỏi đến những nếp nhà sàn Đăk Tăng, Măng Bút; che chở cho những khu vườn rau, hoa Măng Cành tươi đẹp bốn mùa; giữ sương cho khu du lịch sinh thái Măng Đen và làm cho đại ngàn Kon Plông mãi trong xanh…

Đầu tháng 4 vừa qua, Tỉnh ủy đã có Kết luận 100 về xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 10.000ha, trước mắt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch rau, hoa, quả xứ lạnh lên 3.000ha; đồng thời lập phương án khai thác khoảng 2.000ha rừng trồng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tập trung đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng du lịch hiện có, nâng cao mỹ quan đô thị, tạo sự khác biệt để thu hút đầu tư và phát triển du lịch.

Ông Vũ Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho biết, từ những năm 1978-1979, khu vực Măng Đen và các vùng lân cận Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Long, Hiếu được đưa vào trồng thông. Tính đến nay, công ty đã trồng trên 3.163ha thông, trong đó 2.498ha thông trồng thuộc rừng sản xuất, 374ha thông rừng phòng hộ và 291ha thông rừng trồng. Hiện công ty đang quản lý hơn 53.821ha gồm ba loại rừng, trong đó đã giao khoán cho 40 cộng đồng và nhóm hộ (1.826 hộ) quản lý bảo vệ 20.702ha rừng. Công ty chi trả theo dịch vụ môi trường rừng bình quân khoảng trên 300.000 đồng/ha/năm. Công ty đang lên kế hoạch, tiếp tục giao khoán quản lý, bảo vệ 8.476ha rừng cho cộng đồng và nhóm hộ (523 hộ). Việc kinh doanh rừng thông trồng công ty lập phương án sản xuất kinh doanh cho giai đoạn 2016-2020, đưa 297ha thông đã đủ độ chín và khai thác nhựa, nhưng đến nay đã có sự thay đổi, sau khi có Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch sử dụng 2.000ha rừng trồng khu vực Măng Đen đưa vào quy hoạch vào vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công ty phải làm tốt việc giữ rừng và chuyển giao đủ quỹ đất cho nhà đầu tư.

Những ngày cuối tháng 9 đang dần qua, Măng Đen hôm nay đang được đánh thức bởi nhiều dự án đầu tư vào đây. Và với những quyết tâm của tỉnh và huyện Kon Plông về phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen, về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hy vọng Măng Đen dần sẽ trở thành điểm đến lý tưởng, đó là nơi nghiên cứu và sáng tác của những nhà khoa học, văn nghệ sỹ; là nơi thư giãn, nghỉ dưỡng cho du khách từ khắp nơi tìm về…

                                                                            Dương Lê

Chuyên mục khác