21/03/2017 18:49
Đầu tháng 3, chúng tôi trở lại vùng rau, hoa của 37 hộ dân ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông - nơi cách đây chừng bốn năm còn là vùng đất hoang cùng những ngôi nhà dựng vội chơ vơ giữa đồng vắng. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự khởi sắc về sản xuất rau, hoa, củ quả tại đây.
Bằng giọng rặt miền Tây không rào đón, ông Võ Long Vũ vừa ủ phân bò, vừa kể chuyện lập nghiệp tại vùng đất hoang sơ này: Tôi đến đây vào cuối tháng 8 bốn năm trước. Từ một vùng nóng bức ở Tiền Giang, vừa đặt chân đến đây cảm giác đầu tiên của tôi chính là lạnh. Thời tiết chớm thu ở Kon Plông buổi tối lạnh 17- 18oC, cùng với một vùng đất hoang sơ, lạ lẫm, khiến tôi càng hứng thú hơn với hành trình mưu sinh của mình. Nhưng những năm đầu lận đận lắm, khi đó, huyện cấp cho mỗi hộ 1ha vườn, nhưng đất mới, không nước tưới, gia đình tôi nai lưng cày cuốc, chờ mưa xuống, Để làm nguồn sống, gia đình phải trồng cây rau, nuôi con gà và làm đủ thứ chuyện… Nhưng cũng may, thời tiết chiều lòng người, gia đình tôi làm ngày, làm đêm, đến nay đã tạm yên, vườn rau được cải tạo và đã cho bốn vụ thu hoạch.
|
Dù hiện nay mùa rau chính đã qua, nhưng những luống chanh, khoai tây đang mùa cũng đủ làm cho cả vùng 37 hộ trở nên tươi vui. Có thể nói, các vùng rau nơi đây đã khởi sắc trông thấy. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đến nay hầu hết các hộ vùng này đã thuần thục kỹ thuật canh tác các loại rau ăn quả, ăn lá theo lối chuyên canh.
Ông Hoàng Văn Núi ở khu 37 hộ cho biết: Những ngày đầu lên đây thật gian khó, khó từ miếng ăn đến nước uống. Nhưng có trải qua những gian khó thì mình mới thấy hài lòng với những thành công của mình. Giờ đây, sau vườn tôi là khoai tây, bầu, bí tươi xanh một màu, chỉ sợ là thiếu nước tưới trong mùa khô.
Gần khu 37 hộ có Dự án của Công ty TNHH Kon Plông Agri - Tourism đang triển khai trồng rau sạch theo công nghệ Úc. Cách trang trại công ty này 1km về phía đông là một xóm nhỏ với hơn 12 trang trại được người dân địa phương đặt tên là xóm “Quận 2”, bởi có hàng chục hộ dân từ Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh lên đây trồng rau, củ, quả.
Đón chúng tôi bằng nụ cười của người nông dân Nam bộ rạng rỡ, bà Thiện Mỹ bảo sáu năm trước bà lên Măng Đen cùng với bạn bè thăm chơi rồi yêu quý quang cảnh núi rừng nơi đây và quyết định ở lại lập nghiệp.
Bà Mỹ lên và chòm xóm cũng lên theo, rồi họ cùng trồng rau sạch và bán về Sài Gòn... Bây giờ, trang trại rộng gần 20ha của bà Mỹ với 85% diện tích đất đã ken kín các loài cây xứ lạnh đang mùa đơm hoa trái gồm: khoai Lệ Cần, dâu tây Nhật Bản, bơ sáp, cà chua, bí, bắp cải, hoa phong lan...
Bà Mỹ tính toán sẽ mở rộng diện tích trồng rau, quả và nhắm đến thị trường miền Trung từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng... bởi khoảng cách từ Kon Plông đến các thành phố này chỉ bằng 1/3 quãng đường so với rau quả chuyển về từ Đà Lạt. Trong khi đó, đất đai, khí hậu ở Kon Plông không khác nào Đà Lạt, thậm chí đất đai còn màu mỡ hơn vì chưa bị khai phá, bào mòn.
|
Về vùng rau, hoa xứ lạnh Kon Plông tìm hiểu về cây rau, chúng tôi được nghe rất nhiều về cái tên những cư dân đến từ Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh như bà Hòa, ông Thành, chị Hạnh, bà Huệ... Quanh những đồi đất đỏ nhấp nhô gần khu 37 hộ của họ, giờ đã phủ lên màu xanh của rau, cây củ quả. Họ là những cư dân phố thị, nhưng đang chịu nắng, dầm mưa, bởi họ đã trót yêu vùng đất Măng Đen này.
Có thể thấy những người nông dân khu 37 hộ như ông Núi, ông Vũ và ngay cả cư dân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, họ đang dần trở nên chuyên nghiệp trong sản xuất và cung cấp sản phẩm rau xanh. Điều này hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho vùng rau, hoa xứ lạnh Kon Plông và cho chính những người nông dân nơi này…
Dương Lê