Thái độ nào cho hôm nay?

26/08/2020 06:16

Đợt tái bùng phát Covid-19 gần đây là “cú đánh bồi nặng nề” đối với các doanh nghiệp, vốn chưa kịp phục hồi sau làn sóng Covid-19 thứ nhất. Nhưng thay vì hoảng sợ, họ tìm cách sống chung an toàn và lâu dài với Covid-19. Mục tiêu là tồn tại! Vì đó là thái độ rất đáng trân trọng.

Sáng 25/8, khi tinh thần được thả lỏng bởi tin tốt “không có ca mắc Covid- 19 mới”, tôi hẹn gặp anh bạn là doanh nhân ở quán cà phê quen thuộc để tán gẫu.

Dễ có đến gần 2 tháng nay chúng tôi không gặp nhau, kể từ làn sóng Covid thứ hai- tạm gọi là vậy- tràn tới. Dù trước đây, các cuộc trò chuyện diễn ra thường xuyên bên ly cà phê đặc sánh.

Qua điện thoại, tôi hiểu rằng anh đang bị bao nỗi lo toan bủa vây khi mà "cú đánh bồi" từ Covid- 19 giáng xuống "cơ thể" doanh nghiệp đang mệt mỏi, mới kịp thở một hơi ngắn, chưa thể hồi sức sau làn sóng Covid lần thứ nhất đi qua. 

Là bạn bè, tôi thích anh bởi sự giản dị, chân thành với bạn bè và sự "khác người" của anh trong giới doanh nhân. Anh sẵn sàng nhận thanh niên người DTTS ở các làng xung quanh vào học nghề, sau đó tạo việc làm, thu nhập ổn định. Anh sẵn sàng đi lại cả mấy ngày để chờ được phê duyệt một giấy tờ nào đấy, thay vì chi "phí bôi trơn" cho "cò"; sẵn sàng bốp chát lại bất cứ cán bộ nào nhũng nhiễu, hạch sách. Nhưng anh lại thích lẩy Kiều và thuộc lòng Kiều.

Tôi phục anh bởi sự nhạy bén, quyết đoán trong làm ăn, như cách nói của giới doanh nhân là "khôn có sạn trong đầu". Khi mà hầu hết chủ lò gạch vẫn đang mải mê vật lộn với cung cách sản xuất gạch thủ công, bằng lò nung truyền thống đốt than, củi nhả khói mù mịt, chất lượng gạch không cao, thì anh đã khăn gói lên đường, mò mẫm tận Đồng Nai, Bình Phước học tập cách áp dụng công nghệ sản xuất gạch tuynel.

Và khi gạch tuynel bắt đầu có nhiều đối thủ cạnh tranh, anh lại bỏ ra mấy tháng trời qua Lào, Campuchia, Trung Quốc tìm hiểu về công nghệ sản xuất gạch tự động, sau đó quyết định đầu tư vốn liếng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch bằng rô bốt. Lúc này, chủ trương đẩy mạnh thực hiện cách mạng 4.0 của tỉnh cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Có thể nói, anh là người đi tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gạch xây dựng. 

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất trong đại dịch Covid- 19. Ảnh: H.L

 

Nhưng dù là vậy, tôi vẫn nhớ, khi làn sóng Covid- 19 thứ nhất ập tới, anh cũng gần như bị mất phương hướng. Công ty sản xuất vật liệu xây dựng của anh đi vào hoạt động cầm chừng vì không có đầu ra, gần như co lại càng nhỏ càng tốt, cố gắng tự bảo vệ mình. Mọi ý định về sản xuất kinh doanh dừng lại, thu hồi nguồn vốn, giảm chi phí, gần 2/3 công nhân phải nghỉ việc. Hôm thông báo với tôi về quyết định ấy, tôi đã nhìn thấy anh khóc.

Anh gầy và đen hơn trước nhưng tính cách vẫn vậy, xởi lởi, nhiệt tình. Tôi nắm bàn tay đen đúa của anh siết chặt thay lời an ủi. Anh cười: Không sao đâu, tớ vẫn bình thường.

Giờ ngồi viết bài này, nghĩ lại, nhớ lại hai chữ “bình thường” ấy, tôi vẫn  thấy xúc động.

Có thể đúng như anh nói, vào những ngày này, doanh nhân như anh đã quen với "những cú đánh" của dịch bệnh rồi, bởi không phải bây giờ chúng mới diễn ra. Có thể anh thực sự bình thường, hoặc cũng có thể những doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị để giữ trạng thái tâm lý cân bằng trước những gian khó.

Nhưng dù thế nào, đó cũng là thái độ đáng trân trọng. Một sự chuyển biến trong ứng xử với Covid đáng trân trọng. Thay vì hoảng sợ, họ tìm cách “sống chung an toàn và lâu dài” với Covid- 19.

Mục tiêu là tồn tại!

Cuối tháng 7/2020, khi đọc thông tin công bố ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng nhưng không truy tìm được nguồn lây, rất nhiều người, trong đó có các chuyên gia đầu ngành Y đều dự báo về một cuộc chiến với dịch bệnh phức tạp và lâu dài, bởi Covid-19 trở lại lần này dường như hung hãn hơn, xảo quyệt hơn, như biết biến hình, biết im lặng chờ thời.

Giờ mà mất bình tĩnh, sẽ có những quyết định sai lầm, sẽ dẫn đến những hậu quả to lớn, thậm chí mất kiểm soát, ảnh hưởng chung đến nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn dân trong phòng chống dịch bệnh đồng thời với phát triển kinh tế- anh nhẹ nhàng.

Những gì đã và đang diễn ra hiện nay cho thấy rằng tâm lý “bình thường”, không riêng gì với doanh nhân, bây giờ quan trọng đến mức nào.

Điều này cho thấy, chúng ta đã nắm rõ được tình hình và ý thức rõ được mình phải làm gì có lợi nhất, và thực hiện nó một cách nghiêm túc, không bị sự lo lắng, mất bình tĩnh lấn át.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí. Ảnh: H.L

 

Tất nhiên, sự "bình thường" ấy không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành từ sự rèn giũa trong “cuộc chiến thứ nhất” với Covid- 19.

Cũng như tất cả các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp hoàn toàn bất ngờ đối với "đối thủ" này, nên khi dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Hoang mang, lo lắng, giải thể, phá sản hàng loạt. Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 18 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã phải giải thể; 79 doanh nghiệp, 3.782 hộ kinh doanh cá thể và 7 hợp tác xã tạm dừng hoạt động. Thiệt hại kinh tế chắc chắn là rất lớn.

Còn trên cả nước, thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm đã có 29.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, trong đó có 19.600 doanh nghiệp chờ thủ tục giải thể, 7.400 đã giải thể; khoảng 95% doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ kinh doanh dịch vụ đang khó đứng vững.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch ấy cũng đem lại không ít kinh nghiệm cho doanh nghiệp nhằm đối phó với những tình huống đặc biệt như thế này. Trong khi một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có tích lũy (dù ở Kon Tum không nhiều) tạm thời "ngủ đông", không ít doanh nghiệp không thể trụ lại được, phải giải thể, phá sản, thì nhiều doanh nghiệp luôn tích cực tìm hướng chuyển đổi hình thái kinh doanh để trụ lại, thậm chí tận dụng cơ hội để bứt phá, tiếp tục hoạt động.

Qua khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thời gian làm việc, duy trì số lượng nguồn nhân lực, công nhân làm việc trong doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng cho bước tiến hậu dịch.

Bên cạnh rất nhiều mặt hàng mà nhu cầu thế giới giảm sâu thì cũng có rất nhiều mặt hàng nhu cầu tăng cao, chẳng hạn như: thiết bị y tế, khẩu trang, nhu yếu phẩm… Một số doanh nghiệp ở Kon Tum, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội này để tiếp cận, khai thác tốt thị trường nội địa.

Tất nhiên, “bình thường” không có nghĩa là vô cảm.

Các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp vẫn được triển khai rất tốt. Không ít bạn đồng nghiệp của tôi đã phải ra về khi muốn tiếp cận các khu vực sản xuất của doanh nghiệp với lý do "đảm bảo an toàn", hoặc phải tuân thủ quy trình phòng dịch hết sức nghiêm ngặt. Tính từ khi Covid- 19 xuất hiện đến nay, tỉnh Kon Tum chưa có trường hợp nào mắc bệnh là kết quả có được từ sự quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo, sự hiệu quả trong triển khai và sự đồng lòng của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có các doanh nghiệp - nơi được đánh giá có nguy cơ rất cao.

Trong khó khăn chồng chất, doanh nghiệp của anh bạn tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, dù chỉ còn 1/2 công suất. "Hàng vẫn không xuất đi được, tồn hàng chục triệu viên, trong khi giá bán đã giảm tới 1/3, thậm chí gần 1/2, nhưng tôi không được phép dừng lại. Càng khó khăn thì con người ta càng phải sống có tình" - anh chia sẻ.

Lý do để anh duy trì sản xuất là vì "đời sống hàng trăm công nhân, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS ở các làng xung quanh sẽ ra sao nếu không còn việc làm, không còn thu nhập"?

Cũng như anh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với những đổi thay bất lợi, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, như cắt giảm chi phí gián tiếp; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. 

Và với nỗ lực ấy, hàng nghìn, hoặc hàng chục nghìn lao động vẫn có việc làm, nghĩa là bữa cơm, manh áo hàng ngày vẫn được đảm bảo. Dù là "dân ngoại đạo", tôi vẫn hết sức ủng hộ quan điểm "càng khó khăn càng phải sống có tình" ấy.

Và hẳn rằng, đó là sự lựa chọn thái độ đúng đắn cho hôm nay!

Tôi tin tưởng rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp. Ít nhất là một gói hỗ trợ cho những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, khả thi. Cần có một cú hích để những doanh nghiệp đang tồn tại có những cơ hội kinh doanh có khả năng thực hiện trong thực tế, đem lại việc làm cho người lao động, nguồn thu cho doanh nghiệp cũng như cho đất nước. Về phía địa phương, tôi được biết UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo cụ thể về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - một chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Hồng Lam

Chuyên mục khác