25/01/2023 13:38
Chúng tôi về xã Măng Ri vào ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 để thăm những người trực bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh. Sau hơn 2 giờ đồng hồ băng qua chặng đường đồi núi quanh co với những con dốc dựng đứng chúng tôi cũng đến được chốt số 12 vườn sâm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Rót trà mời chúng tôi, ông A Ly – chốt trưởng cho biết, chốt đang quản lý, chăm sóc khoảng 15 vườn sâm lớn nhỏ rồi dẫn chúng tôi đi quanh khắp các vườn sâm.
Men theo con đường đất dốc trơn trượt, ngoằn nghèo dẫn lên vườn sâm, ông Ly cho biết, nằm dưới lớp đất mùn giàu dinh dưỡng là những cây sâm đang ở thời kỳ ngủ đông. Sau Tết cây mới đâm chồi phát triển ra hoa, cho hạt kéo dài khoảng 8 tháng rồi lại ngủ đông. Tuy nhiên, ở bất kì giai đoạn nào việc bảo vệ vườn sâm vẫn được thực hiện một cách nghiêm ngặt.
“Dịp Tết đến Xuân về, để đề phòng kẻ gian lợi dụng sơ hở vào trộm cắp, phá hoại vườn… công nhân Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trực Tết được bố trí theo ca và do chốt trưởng phân công giám sát để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vườn sâm” – ông Ly nói.
Ông Ly cho biết thêm, một ca trực có từ 3-4 người, kéo dài một ngày một đêm. Cứ thế luân phiên nhau túc trực từ ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày 5 tháng Giêng. Trước khi đổi ca, những người ca trước đi kiểm tra sau đó mới bàn giao vườn lại cho ca sau.
“Trực Tết ở vườn sâm ngoài tránh kẻ gian lợi dụng trộm sâm còn nhằm kiểm tra, xua các loại động vật phá hoại cây sâm. Cả ngày lẫn đêm chúng tôi phải dùng đèn pin soi rọi quanh vườn kiểm tra rồi mới quay về lán. Sáng hôm sau lại đi kiểm tra vườn rồi mới bàn giao ca cho người khác tiếp tục trực” – ông A Bum, tổ trưởng vườn sâm cho hay.
Ngoài ra, để bảo vệ sâm, hàng ngày người công nhân chăm sóc sâm Ngọc Linh đều tỉ mỉ nhặt sạch từng cọng cỏ trong luống sâm, đồng thời làm hàng rào, che chắn kín để bảo vệ vườn sâm và ngăn sự phá hoại của động vật.
Khi trời đã tối sầm, chúng tôi theo chân anh A Lít - công nhân trực bảo vệ vườn sâm đi kiểm tra quanh vườn. Cầm cây đèn pin, anh Lít kỹ càng rọi đèn xung quanh và không quên dặn chúng tôi đi theo dấu chân, đường mòn tuyệt đối không đi lệch để tránh dẫm trúng bẫy chông. Vào đến vườn, anh rọi kỹ vào từng luống có trồng sâm xem có bị động vật phá hoại hay không, rồi lia đèn xung quanh các ngọn cây kiểm tra.
Anh A Lít cho biết, anh đã có 5 năm làm cho Công ty, năm nào cũng trực Tết tại vườn sâm. Có năm trực đúng ngày 30, có năm lại là ngày mùng 1 Tết…
|
“Việc canh giữ sâm cũng khá vất vả, bởi hiện tại sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý nên nếu không có biện pháp canh giữ cẩn thận, rất dễ xảy ra tình trạng trộm cắp, hư hại. Tết đến không ở nhà cũng hơi buồn nhưng không thể chểnh mảng dịp Tết mà để cây sâm bị tổn thất” – anh Lít kể.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý, có giá trị cao giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo. Người dân ở đây có ý thức bảo vệ sâm, khi có người lạ vào địa bàn sẽ thông báo cho nhau cùng cảnh giác.
Ngoài công nhân tại vườn sâm của các công ty, những hộ dân trồng vườn riêng hay tổ liên kết đều ở lại vườn sâm của mình trong dịp Tết. Đồng hành với người dân trong dịp Tết còn có lực lượng công an các xã đội, cán bộ chính quyền địa phương trực Tết, hỗ trợ người dân khi cần thiết.
“Mỗi hộ dân đều có cách bảo vệ riêng cho vườn sâm của gia đình trong dịp Tết. Đối với hộ có điều kiện, vườn rộng họ sẽ thuê thêm người trực bảo vệ vườn sâm. Còn có những hộ trồng ít hoặc ở các điểm hẻo lánh sẽ thường xuyên ra vào thăm vườn, hay tổ liên kết cũng thay nhau bảo vệ vườn trong dịp Tết Nguyên đán này” – ông Mạnh cho hay.
|
Việc bảo vệ sâm Ngọc Linh ngày thường đã gian nan, vào những ngày Tết lại thêm phần vất vả. Mặc dù không quây quần cùng gia đình đón Tết nhưng những người canh giữ sâm Ngọc Linh vẫn vui mừng bởi chính ông sức của họ bỏ ra đã góp phần vào phát triển, bảo vệ, gìn giữ thương hiệu “Quốc bảo”.
Thu Hiền