Tắt điện một giờ, hành động 365 ngày

28/03/2020 06:08

Tắt điện một giờ, hành động 365 ngày để góp phần xây dựng một cuộc sống xanh là điều mà chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm hướng đến. Và, hơn 10 năm qua, chiến dịch này đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội theo hướng tích cực; người dân cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng từng bước nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thông điệp của chiến dịch Giờ Trái đất năm nay là “Tiết kiệm điện cho Trái đất xanh hơn” với sự kiện trọng tâm là hoạt động tắt điện trong 1 giờ diễn ra từ 20h30-21h30 ngày 28/3/2020.

Để lan tỏa thông điệp này đến các tầng lớp nhân dân, từ trung tuần tháng 3, Sở Công thương, Công ty Điện lực Kon Tum phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng bằng việc tắt giảm các đèn chiếu sáng và thiết bị điện không cần thiết của gia đình trong thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất. Không chỉ dừng lại ở việc tắt điện trong 1 giờ, các ngành chức năng còn kêu gọi mọi người thực sự nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tích cực sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, trồng thêm cây xanh, bảo vệ động vật hoang dã trong suốt tháng, suốt năm. Qua đó, cùng với cả nước và cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ trái đất.

Trong mỗi chiến dịch Giờ Trái đất, số bóng đèn chiếu sáng công lộ đều được cắt giảm. Ảnh: TH

 

Những năm qua, chiến dịch Giờ Trái đất được các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Trong mỗi chiến dịch Giờ Trái đất, tỉnh ta tiết kiệm được từ 9.000 – 10.000 kWh. Điều đó chứng minh rằng, mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ là tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ thôi là chúng ta góp phần tiết kiệm được một khối lượng điện đáng kể, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ cho ngân quỹ của mỗi gia đình, cơ quan và góp phần tiết kiệm ngân quỹ quốc gia.

Nhận thấy được hiệu quả thiết thực từ việc làm này, người dân ngày càng ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện, tiết kiệm các nguồn năng lượng, tài nguyên. Đó là thay thế các thiết bị điện cũ tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ; là trồng thêm cây xanh, là hạn chế sử dụng túi ni lông hay các đồ dùng bằng nhựa  … 

Chị Phạm Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Để giảm bớt việc tiêu thụ điện năng, các đồ dùng, thiết bị điện của gia đình tôi từ tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt đến nồi cơm điện, tivi... đều sử dụng dòng máy công nghệ Inverter. Bên cạnh đó, tôi luôn chú ý cắt giảm tối đa mức tiêu thụ điện như chỉ bật tivi, điều hòa khi cần thiết, tắt nguồn các thiết bị này khi không sử dụng, nhất là khi đi khỏi nhà. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm được tiền điện của gia đình mà còn bảo đảm an toàn, tránh các sự cố gây cháy nổ, chập điện.

Hiện nay, nhiều khách hàng của ngành điện đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Ảnh: TH

 

Vài năm trở lại đây, một số gia đình còn đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái - đây là nguồn điện thân thiện với môi trường. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 70 khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy, Đăk Hà.

Hiểu rõ bảo vệ trái đất là cả một quá trình lâu dài, không phải chỉ ngày một ngày hai và phải thực hiện bằng nhiều hành động; thời gian gần đây, các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng chú ý xây dựng, lan tỏa lối sống xanh. Điển hình như việc nhiều cơ quan, đơn vị không sử dụng các loại nước uống đóng chai một lần trong các cuộc họp, hội nghị mà thay vào đó lấy nước từ các máy lọc nước rồi đóng vào chai thủy tinh, bình sứ; nhiều nhà hàng, quán ăn cũng không sử dụng ống hút nhựa mà thay bằng ống hút cỏ, ống hút làm từ gạo; các siêu thị sử dụng lá chuối để gói rau, dùng túi đựng dễ phân hủy; các bệnh viện chủ động cắt giảm và tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa một lần… Trong mỗi gia đình, người dân chú ý đến việc hạn chế dùng túi ni lông, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường để đựng thực phẩm khi đi chợ, chủ động phân loại rác thải, trồng thêm nhiều cây xanh…

Có thể nói, mỗi một hành động nhỏ được triển khai trong thời gian qua và ngay trong việc thực hiện Giờ Trái đất hàng năm chính là góp phần quan trọng vào việc bảo bệ môi trường. Mỗi năm, chiến dịch Giờ Trái đất là dịp để người dân trên địa bàn tỉnh ta thể hiện quyết tâm cùng với cả nước và cộng đồng quốc tế chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hành tinh của chúng ta.   

Thiên Hương

Chuyên mục khác