12/04/2024 06:05
Thời điểm này, tổ công tác liên ngành quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của UBND xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) thường xuyên có mặt tại các khu vực rừng giáp ranh với đất sản xuất của người dân và những nơi có đường mòn, lối mở dẫn vào rừng để kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Ông Hoàng Duy Toàn- kiểm lâm địa bàn xã Sa Sơn cho biết, trước khi bước vào mùa khô 2023-2024, Tổ công tác liên ngành QLBVR xã Sa Sơn tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCCCR một cách cụ thể nhằm làm tốt công tác bản vệ rừng trong mùa khô, phòng tránh và giảm thiểu những thiệt hại do cháy rừng gây ra. Trong đó, trọng tâm là tổ chức các lực lượng thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng vào thời điểm thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sinh sống gần rừng và có diện tích đất sản xuất giáp ranh với rừng chấp hành tốt các quy định về PCCCR, đặc biệt là khi đốt, dọn rẫy phải báo cáo với chính quyền địa phương và chủ động kiểm soát ngọn lửa, tuyệt đối không để lửa cháy lan vào rừng.
|
Xã Sa Sơn hiện nay có 10 hộ dân (ở thôn 1 và thôn 2) được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 179ha đất rừng. Xã cũng có 2 cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, là Sa Sơn (23 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2) và Bar Gốc (35 hộ dân) được BQL VQG Chư Mom Ray khoán bảo vệ rừng với 1.430ha rừng.
Qua công tác kiểm tra, các hộ dân được Nhà nước giao đất giao rừng đều chủ động làm đường ranh cản lửa tại khu vực đất sản xuất của họ giáp ranh với rừng. Các hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho BQL VQG Chư Mom Ray đều tham gia tuần tra, trực chốt bảo vệ rừng-PCCCR đầy đủ.
Ông A Bứi- Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn chia sẻ, UBND xã chỉ đạo các lực lượng của xã hướng dẫn người dân kỹ năng đốt, dọn rẫy an toàn, triển khai các biện pháp phòng cháy cho vườn cao su, thường xuyên tuần tra, kiểm tra khu vực dễ xảy ra cháy rừng và ngăn chặn không để người dân tự ý vào rừng đốt lửa để lấy mật ong hay chặt hạ cây để lấy hạt ươi trái phép. Hiện nay, trên địa bàn xã Sa Sơn không xảy ra hành vi xâm hại rừng và không xảy ra cháy rừng.
Huyện Sa Thầy có 113.741,59ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có 81.743,72ha rừng tự nhiên, 9.242,06ha rừng trồng và 859,16ha đất có rừng trồng chưa thành rừng. Mùa khô 2023-2024, các cấp có thẩm quyền của huyện Sa Thầy đã phê duyệt 229 phương án PCCCR.
|
Ông Nguyễn Quốc Phú- Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức 3 đợt tuần tra, truy quét liên ngành cấp huyện và ban hành 11 văn bản chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác QLBVR và triển khai phương án PCCCR. Các đơn vị, địa phương đều chủ động, triển khai đảm bảo công tác PCCCR, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, trên địa bàn huyện Sa Thầy chỉ xảy ra một số đám cháy thực bì không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có gần 227.440ha rừng được xác định có nguy cơ cháy cao trong mùa khô 2023-2024. Trong quý I/2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy nhưng không gây thiệt hại về tài nguyên rừng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLBVR và PCCCR.
“Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm phòng cháy rừng là chính và thường xuyên theo dõi hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm để triển khai công tác PCCCR kịp thời, hiệu quả”- ông Tuấn nói.
Đức Thành