10/08/2022 13:03
Mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiếp tục khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đưa ngành nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng cao cho tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh.
|
Theo đó, tỉnh quyết tâm duy trì tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 7,21% trong giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025, nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000ha, hình thành một số vùng mắc ca, phát triển được khoảng 4.500ha sâm Ngọc Linh và khoảng 10.000ha các cây dược liệu khác; nâng tổng đàn gia súc lên khoảng 317.000 con. Đồng thời, phấn đấu trồng mới 15.000ha rừng tập trung, khoanh nuôi phục hồi rừng được ít nhất 7.300ha; nuôi dưỡng làm giàu rừng ít nhất 1.000ha; khai thác và chế biến 520.000 m3 gỗ từ rừng trồng, gỗ cao su thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2025, tỉnh ta có ít nhất 4 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có ít nhất 60 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng đổi mới cơ cấu cây trồng; hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, kết nối chuỗi giá trị trong tỉnh và trong nước.
|
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng sản xuất chuyên canh.
Các ngành, các địa phương tập trung tranh thủ các nguốn vốn của Trung ương, huy động các nguồn vốn tại chỗ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông, lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại. Từng bước chuyển dần xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”; phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; số hóa, tạo lập dữ liệu, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững xác định người dân nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Để làm được điều này, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các cấp tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các nguồn lực để giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng các vùng nông thôn thành những nơi “đáng sống”.
Các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông nghiệp, nông thôn bền vững đều nhằm mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực, sự chung tay hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân nông thôn.
Thiên Hương