Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

12/09/2020 06:12

Những năm qua, nhờ triển khai lồng ghép các chương trình, đề án và huy động các nguồn lực đóng góp đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong tập trung vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo của tỉnh. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ngườì dân, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, thể hiện chính sách ưu việt của Nhà nước ta.

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2019, tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh là 18.858, chiếm tỷ lệ 13,62% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,12%/năm, từ 26,11% (cuối năm 2015) xuống còn 13,62% (cuối năm 2019), đạt 104% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo của tỉnh đề ra.

Trong 4 năm qua (2016-2019), tổng số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh là 20.901 hộ. Trong đó, riêng trong vùng đồng bào DTTS  đã có 18.791 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân là 5,41%/năm, từ 46,57% (cuối năm 2015) xuống còn 24,93% (cuối năm 2019), đạt 133,6% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo. Và có 10.934 hộ thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 6,64% (cuối năm 2015) xuống còn 6,36% (cuối năm 2019).

Nhìn ở từng phương diện, thành quả của công tác giảm nghèo cũng được thể hiện rõ nét. Đó là thu nhập bình quân của hộ nghèo đạt 644 nghìn đồng/người/tháng. Hiện nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91%. Mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng phủ kín 102/102 xã, phường, thị trấn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; trong đó, có 178 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Các cấp, các ngành ưu tiên đầu tư giao thông nông thôn cho các xã, thôn nghèo. Ảnh: T.H

 

Hiện nay, 89% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí; 3.622 lao động nông thôn được đào tạo nghề…

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, chính sách giảm nghèo chung, mà còn chú trọng đến việc lồng ghép triển khai các chương trình, dự án đặc thù phù hợp với từng địa phương nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong việc góp phần đổi thay, tiến bộ của bộ mặt kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Từ nguồn vốn các chương trình đầu tư mang tính đặc thù của Trung ương như 135 giai đoạn III, 30a… tỉnh đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 986 công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt cho huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân, tạo diện mạo nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế- xã hội của các địa phương phát triển. Ngoài ra, việc triển khai các dự án tạo sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cũng đã giúp các hộ nghèo được tiếp cận với các giống cây, con mới, khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Làng Kon K'tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Ảnh: Nguyễn Ban

 

Tiêu biểu như, từ nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn III, huyện Đăk Hà ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng song song với nâng cao nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS; xã, thôn đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 41,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện tiến hành  hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho 1.939 hộ dân, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.548 hộ; hỗ trợ về cây, con giống, máy nông nghiệp cho hơn 6.000 lượt hộ đồng bào DTTS, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, trong 4 năm qua, toàn huyện Đăk Hà có gần 2.600 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,76% (cuối năm 2015) xuống còn 13,28% (cuối năm 2019).

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi hỗ trợ 128.526 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng số vốn đã giải ngân 4.095.131 triệu đồng. Với hình thức cho vay tín chấp thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, người dân không phải băn khoăn đến vấn đề tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng, mức lãi suất ưu đãi, tiền gốc được trả dần nên người dân không phải lo lắng nhiều, mạnh dạn vay vốn, trả nợ đúng hạn.

Ở làng Đăk Đê (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), ông A Nghĩu là một trong những người tiên phong vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Theo A Nghĩu, ban đầu gia đình không có tiền đầu tư trồng cao su, cà phê, nuôi bò, nhưng nhờ Nhà nước hỗ trợ giống và tạo điều kiện để gia đình ông vay thêm từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo nên ông mạnh dạn đầu tư mua giống cây về trồng và đầu tư nuôi bò sinh sản. Lúc đầu, ông chỉ vay hơn chục triệu đồng, trả xong, thiếu ông lại vay thêm, từng bước mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông có 3ha cao su, hơn 1ha cà phê đã cho thu hoạch, 4 con bò cái, kinh tế gia đình được cải thiện từng ngày, không chỉ thoát được nghèo mà ngày càng khấm khá hơn.

Làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Ông A Nghĩu chỉ là một trong số hàng ngàn hộ nghèo nhờ sự tiếp sức của chương trình tín dụng chính sách, qua đó giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, mở rộng cánh cửa vươn lên thoát nghèo. Hơn nữa, việc khơi thông nguồn vốn vay ưu đãi còn góp phần hạn chế, chống được nạn cho vay nặng lãi, bẫy “tín dụng đen” ở các vùng nông thôn mà phần lớn nạn nhân đều là những người nghèo.

Ngoài ra, 4 năm qua, từ nguồn vốn của chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thông qua Quỹ “Vì người nghèo”; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 3.272 hộ nghèo với tổng kinh phí 94.864 triệu đồng. Song song với đó, hàng ngàn hộ dân còn được hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất giúp họ “an cư lạc nghiệp”, ổn định đời sống.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành của tỉnh đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, bên cạnh các nguồn hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, tỉnh, để công tác giảm nghèo đạt kết quả bền vững rất cần tinh thần tự giác, khát vọng vươn lên thoát nghèo của chính những người nghèo.

Thùy Hương

Chuyên mục khác