04/06/2021 13:11
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta từ cuối tháng 5, đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở làng Đăk Tênh (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông), chỉ trong thời gian ngắn, đến nay dịch bệnh đã lan rộng ra 5 xã của 4 huyện là Kon Plông, Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 1/6, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 19 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục của 12 hộ chăn nuôi; trong đó, 6 con đã bị tiêu hủy, 13 con đang được cách ly, điều trị. Địa phương có số bò bị bệnh nhiều nhất là huyện Sa Thầy với 14 con của 8 hộ chăn nuôi.
Ông Đoàn Thanh Mai- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bệnh viêm da nổi cục hay còn gọi là bệnh da sần trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Vi rút này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Bệnh lây lan chủ yếu thông qua các loại côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng…truyền bệnh từ những gia súc bị bệnh sang gia súc khỏe mạnh; lây nhiễm trực tiếp trong quá trình chăn nuôi, giết mổ… Khi trâu bò mắc bệnh thường có biểu hiện ban đầu là da nổi sần, chảy chất dãi trong mũi, mồm và thường dấu hiệu chuyển sốt, sốt cao, bỏ ăn. Mặc dù tỷ lệ chết thấp, nhưng dịch bệnh gây suy nhược kéo dài ở động vật mắc bệnh nặng; giảm tăng trọng, ngừng sản xuất sữa tạm thời hoặc vĩnh viễn, viêm vú, sẩy thai; thời gian hồi phục gia súc kéo dài.
|
Ngay khi nắm bắt thông tin có gia súc mắc bệnh này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương cử cán bộ chuyên môn xuống tận hộ gia đình để tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy ngay những gia súc mắc bệnh nặng để tránh lây lan ra diện rộng. Các địa phương tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, vệ sinh môi trường, cách ly gia súc bị ốm ra khu vực riêng để điều trị; cắm biển báo tại những thôn, hộ gia đình có bò bị bệnh và các hố tiêu hủy.
Đồng thời, chính quyền địa phương có xảy ra dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò phối hợp với ngành chức năng tích cực tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi để người dân hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh; chăm sóc và theo dõi sức khỏe đàn gia súc, kịp thời thông báo với chính quyền địa phương khi phát hiện trâu, bò bị bệnh để triển khai các biện pháp ứng phó, dập dịch, tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy hay giết mổ trâu, bò bị bệnh.
Một số địa phương nơi có dịch bệnh xảy ra như xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) tiến hành lập chốt kiểm dịch nhằm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để không cho vận chuyển, tiêu thụ trâu bò và các sản phẩm thịt trâu, bò ra ngoài, khử khuẩn các phương tiện vận chuyển ra vào địa bàn để tránh lây lan, phát tán mầm bệnh…
Theo ông Đoàn Thanh Mai, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lây lan nhanh và rất dễ bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, cái khó trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh ta hiện nay là người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, theo phương thức quảng canh, thả rông; chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chưa chú trọng đến việc tiêm vắc xin phòng ngừa. Trong khi đó, hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng thất thường nên sức đề kháng của vật nuôi giảm, thuận lợi cho các côn trùng phát triển, đặc biệt muỗi, ve, mòng - đường truyền lây phát tán mầm bệnh chủ yếu. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm soát việc vận chuyển mua bán, giết mổ trâu, bò tại nhiều địa phương còn hạn chế khiến mầm bệnh dễ lây lan, phát tán và khó kiểm soát.
Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế của người dân, cùng với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khống chế những ổ dịch hiện tại, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất chính là tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc.
Ông Đặng Thanh Mai cho biết thêm: Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương xuất kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang đẩy nhanh quy trình thủ tục mua vắc xin. Trước mắt, chúng tôi sẽ ưu tiên phân bổ và tiến hành tiêm khẩn cấp cho đàn trâu, bò của những địa phương đang có dịch và những vùng có nguy cơ cao; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho công tác tiêm phòng vắc xin trên diện rộng. Mục tiêu là có khoảng 80 – 90% tổng đàn trâu, bò đủ điều kiện được tiêm phòng vắc xin.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp thiết thực của các cấp, ngành chức năng, người chăn nuôi cũng cần thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Thiên Hương