Tập trung ngăn chặn, xử lý bệnh khảm lá mì

03/09/2021 13:05

Thời gian qua, bệnh khảm lá mì xuất hiện và lan rộng ở nhiều địa phương làm hơn 656ha mì bị nhiễm bệnh. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương kịp thời triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý bệnh, qua đó, từng bước mang lại kết quả tích cực, giảm những thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, toàn tỉnh trồng khoảng 38.524ha mì. Từ cuối tháng 4 đến nay, bệnh khảm lá mì bắt đầu xuất hiện và lan rộng ở nhiều địa phương. Tổng diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 656ha, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như thành phố Kon Tum (374,16ha), huyện Sa Thầy (179,2ha), huyện Đăk Tô (63ha) và huyện Kon Rẫy (27,5ha)…

Nguyên nhân của bệnh khảm lá trên cây mì được xác định chủ yếu do người dân dùng các loại giống trôi nổi trên thị trường, không bảo đảm chất lượng, hom giống mang mầm bệnh. Loại bệnh này do vi rút gây ra, lây lan nhanh qua vật trung gian truyền bệnh là bọ phấn trắng. Bệnh khiến cho lá mì bị xoăn lại, quang hợp kém, cây mì không phát triển được, từ đó cây mì không ra củ hoặc có củ cũng còi cọc, lượng bột ít, năng suất rất thấp.

Bệnh khảm lá trên cây mì gây thiệt hại nặng cho người dân. Ảnh: T.H

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, cử tổ công tác trực tiếp xuống các địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát diện tích mì bị nhiễm bệnh, tổ chức hướng dẫn người dân phun thuốc trừ bọ phấn trắng- vật trung gian truyền bệnh và tiến hành nhổ bỏ những diện tích bị bệnh. Đối với những diện tích mì trái vụ trồng tại các vùng bán ngập, ngoài ô nà sắp đến kỳ thu hoạch, ngành Nông nghiệp và các địa phương vận động người dân thu hoạch sớm để hạn chế lây lan ra diện tích mì chưa bị bệnh.

Đến nay, diện tích mì bị bệnh đã được thu hoạch, nhổ bỏ và tiêu hủy là 227,39ha. Trong đó, thành phố Kon Tum là 139,69ha, huyện Sa Thầy là 25,3ha, Đăk Tô là 30 ha, Kon Rẫy 27,5ha…Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 542,85ha đã được phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng.

Chẳng hạn như huyện Kon Rẫy, ngay khi phát hiện bệnh khảm lá mì xuất hiện trên địa bàn (chủ yếu là ở xã Tân Lập và Đăk Ruồng), dù mức độ nhiễm bệnh không nặng, nhưng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và các địa phương tiến hành vận động người dân nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ diện tích bị bệnh. Điều đó, góp phần hạn chế bệnh khảm lá lan ra diện rộng, bảo vệ diện tích mì không bị bệnh, đồng thời giúp người dân có thời gian xử lý đất, chuyển sang trồng các loại cây khác. Hiện nay, huyện Kon Rẫy cũng đang tiến hành hỗ trợ các loại giống cây ăn trái như mít, sầu riêng, bơ, xoài… cho những hộ dân có diện tích mì bị nhiễm bệnh đã nhổ bỏ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ở thành phố Kon Tum, phần lớn diện tích mì bị bệnh khảm lá là mì trái vụ, tập trung ở những vùng bán ngập nên chính quyền các xã, phường đã vận động người dân thu hoạch sớm, gom cây lại để đốt. Đối với những diện tích mì thâm canh mới trồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum hướng dẫn người dân nhổ bỏ những cây bệnh và phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng. Nhờ đó, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, từ đầu tháng 8 đến nay, diện tích mì bị bệnh không phát sinh nhiều như thời điểm cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

Dù đã đạt được một số kết quả, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác phòng trừ, xử lý bệnh khảm lá trên cây mì vẫn còn những tồn tại và khó khăn nhất định. Đó là, một số diện tích mì bị bệnh trồng ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh, đi lại rất khó khăn nên việc phun thuốc để trừ bọ phấn trắng bị chậm trễ. Một số hộ chưa tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khiến dịch bệnh khó khống chế.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người trồng mì, cùng với việc triển khai các giải pháp xử lý, khống chế bệnh, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không sử dụng, vận chuyển, trao đổi, mua bán các hom giống không có nguồn gốc, nhiễm bệnh khảm lá mì; người dân cần chuyển sang trồng các loại trên khác các diện tích trồng mì đã nhiễm bệnh để tránh thiệt hại. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác