15/04/2022 13:02
|
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn trong thời gian qua bị ảnh hưởng khá nặng nề. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh có những chuyển biến tích cực, tỉnh ta nhanh chóng chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước mở cửa các hoạt động kinh tế- xã hội, khôi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đồng thời vẫn thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, chúng ta chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Kế hoạch số 462/KH-UBND (ngày 18/2/2022) của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế; thực hiện linh hoạt các chính sách thúc đẩy đầu tư, kích cầu tiêu dùng các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tranh thủ tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đã mang lại kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Theo thống kê của Sở Công thương, dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng trong quý I/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh ta đạt mức tăng trưởng 40,99% so cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 23,6% so với kế hoạch. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực chủ lực của tỉnh ước thực hiện đạt 1.320 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ; khai thác khoáng sản ước đạt 105 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Mức tăng ấn tượng nhất là lĩnh vực công nghiệp phân phối điện nước với giá trị thực hiện đạt khoảng 525 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.
|
Hoạt động xuất khẩu trong quý I/2022 tiếp đà tăng trưởng với tổng giá trị ước đạt 69,8 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 26% kế hoạch năm đề ra. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cao su thô, tinh bột sắn, dây thun, bàn ghế gỗ... Cụ thể, mặt hàng cao su thô xuất khẩu ước đạt 55,56 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng 79,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mặt hàng tinh bột sắn dự kiến xuất được hơn 5.100 tấn, tương ứng 12,1 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng dây thun khoanh xuất khẩu dự kiến đạt 681 tấn, tương ứng giá trị là 1,52 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021; bàn ghế gỗ các loại ước đạt 0,48 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu được khôi phục, mở rộng.
|
Hoạt động thương mại có bước tăng trưởng mạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính quý I/2022 đạt 8.493,83 tỷ đồng, tăng 40,41% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả của chính sách tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, du lịch giữa các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại trong tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình khuyến mại, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng và sức mua của người dân.
Những thành tựu này là tiền đề quan trọng, tạo thêm “sức bật” cho việc phục hồi và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh trong những tháng tiếp theo của năm 2022.
Ông Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: Dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị thiếu hụt và đến nay chưa phục hồi hoàn toàn; giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển, sản xuất tăng cao chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ gặp không ít trở ngại. Vì vậy, với vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp, Sở Công thương sẽ tiếp tục xây dựng và tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường nắm bắt và thông tin kịp thời, nhanh chóng đến các doanh nghiệp về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Tăng cường tham gia các hội nghị, hội thảo giao thương kết nối thương mại, các đoàn giao dịch thương mại để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Hiện tại, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch làm việc với các siêu thị, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở sẽ tranh thủ các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị để nâng công suất sản xuất, đón đầu thị trường, góp phần giảm áp lực tăng giá đầu ra sản phẩm khi giá nguyên liệu đầu vào đang cao.
Có thể nói, trong điều kiện còn nhiều khó khăn của quý I/2022, sự khôi phục và phát triển vượt bậc của hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là tín hiệu tích cực tạo đà phục hồi kinh tế toàn tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra của năm 2022.
Thiên Hương