Tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển

29/07/2020 06:27

Là một huyện biên giới, có nhiều khó khăn, nhưng trong nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sa Thầy giành được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành nhiều mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện đề ra và tạo tiền đề phát triển mới.

Kinh tế phát triển toàn diện

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khẳng định, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Về kinh tế, so với nhiệm kỳ trước, kinh tế phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Quy mô và tiềm lực kinh tế của huyện tăng đáng kể, tổng giá trị sản xuất đến cuối năm 2020 ước đạt 3.324 tỷ đồng, tăng 1,82 lần so với năm 2015. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 13,57%/năm (vượt 0,57% Nghị quyết). Các ngành kinh tế cơ bản chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với yêu cầu của huyện. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 39,62% năm 2015 xuống 31,35% năm 2020; ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 38,99% năm 2015 lên 43,16% năm 2020; ngành thương mại-dịch vụ tăng từ 21,39% năm 2015 lên 25,49% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 25,56 triệu năm 2015 lên 40,09 triệu năm 2020, tăng 1,57 lần (vượt 0,23% Nghị quyết). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng từng năm, năm 2020 đạt 158,55 tỷ đồng, tăng 1,69 lần (vượt 86% Nghị quyết).

Ba lĩnh vực đột phá theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chỉnh trang đô thị và cải cách thủ tục hành chính được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tạo sự lan toả, bước đầu đạt kết quả tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Một góc thị trấn Sa Thầy hôm nay. Ảnh: Lê Hải

 

Lĩnh vực nông nghiệp có bước phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 ước đạt 1.014 tỷ đồng, tăng 1,62 lần so năm 2015. Tiềm năng đất đai được quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn. Các cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, sắn được duy trì ổn định để phục vụ các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn; một số cây trồng phù hợp với điều kiện của huyện được chú trọng phát triển. Quỹ đất được rà soát giới thiệu cho nhà đầu tư và thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất đai xây dựng cánh đồng lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến.

Chăn nuôi có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; hình thành một số điểm chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. Dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Việc khai thác, nuôi trồng thủy sản phát triển đáng kể.  Bước đầu hình thành một số làng đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân đồng bào DTTS vùng ngập lòng hồ.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng, triển khai thực hiện quyết liệt. Công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc được đẩy mạnh, nâng độ che phủ rừng đạt 62,84% (tăng 0,94% so với đầu nhiệm kỳ). Một số mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bước đầu có hiệu quả.

Công nghiệp - xây dựng phát triển khá, giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 1.396 tỷ đồng (tăng 2,11 lần so với năm 2015). Các ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, tạo nguồn thu ngân sách. Đến nay, trên địa bàn huyện có 62 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 267 cơ sở sản xuất cá thể về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống.

Thương mại - dịch vụ có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt 832 tỷ đồng (tăng 1,67 lần so với năm 2015). Hệ thống chợ thương mại phát triển mạnh từ trung tâm huyện đến vùng sâu, vùng xa; siêu thị và mảng phân phối hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một số ngành, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, chăm sóc sức khỏe, giải trí.... có bước phát triển mạnh. Các điểm du lịch được quan tâm đầu tư, nhất là du lịch tâm linh, sinh thái, lịch sử được phát huy, tạo được sự chú ý, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, lượng khách đến huyện tăng hàng năm.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng, đảm bảo công khai minh bạch và quản lý chặt chẽ. Trong nhiệm kỳ, tập trung nhiều nguồn lực cho đầu tư, nhất là đầu tư những công trình trọng điểm, những công trình giao thông quan trọng có sự kết nối vùng lớn, thông thương hàng hoá, giao thông đi lại của người dân như nâng cấp Quốc lộ 14C, tỉnh lộ 675, tỉnh lộ 674, đường từ xã Rờ Kơi đi xã Sa Loong (Ngọc Hồi), đường từ xã Sa Nghĩa đi xã Hơ Moong... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc, diện mạo khang trang hơn và dần phá được thế ngõ cụt.

Việc xây dựng nông thôn mới mang lại kết quả đáng khích lệ. Tính đến năm 2020, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% Nghị quyết). Hạ tầng  nông thôn được đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Văn hóa – xã hội có bước phát triển mới

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, văn hóa – xã hội có bước phát triển mới. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên đáng kể, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp tinh gọn, đồng bộ, phù hợp với điều kiện của huyện. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao chất lượng. Cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm. Đến năm 2020, toàn huyện có 21 trường đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn quốc gia (vượt 19% Nghị quyết).

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm, có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ được chú trọng, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 48% (đạt 104% Nghị quyết), bình quân hằng năm tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án đối với đồng bào DTTS được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ hộ nghèo giảm từ 40,3% năm 2015 xuống còn 9,97% năm 2020 (bình quân giảm 6,07%/năm, vượt 10,18% Nghị quyết).

Cây sầu riêng giúp cho nhiều hộ gia đình ở xã Rờ Kơi có thu nhập cao. Ảnh: VN

 

Các hoạt động văn hóa tiếp tục được quan tâm, thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp; thể dục, thể thao tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện có hiệu quả.

Khoa học, công nghệ được đẩy mạnh theo hướng chuyển giao áp dụng vào sản xuất và đời sống, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và cạnh tranh trên thị trường. Công tác bảo vệ môi trường chuyển biến rõ rệt. Tài nguyên được quản lý, khai thác có hiệu quả, ngăn chặn được tình trạng khai thác trái pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường.

Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được chú trọng. Khu vực phòng thủ được củng cố, tăng cường vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm khẳng định, công tác xây dựng Đảng được quan tâm. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế đạt kết quả quan trọng. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện có hiệu quả. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm và đảm bảo chất lượng, khắc phục thôn, làng “trắng” đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, đạt kết quả khá toàn diện, góp phần giữ nghiêm kỷ luật Đảng.

Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện; phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng luôn giữ vững khối đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, luôn sâu sát cơ sở và chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, quy trình công tác. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của huyện trong những năm đến.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác