Tạo tiền đề cho năm mới

03/02/2024 13:48

Tháng đầu tiên của năm 2024 đã kết thúc, với những số liệu khả quan về kinh tế. Theo Cục Thống kê tỉnh, kết quả đạt được tạo tiền đề để chúng ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm mới 2024.

Ngày 5/12/2023, tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024.

Nghị quyết 23 xác định mục tiêu năm 2024 là tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, với nhiều chỉ tiêu chủ yếu.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; GRDP bình quân đầu người trên 63,7 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 4.600 tỷ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 3-4%/năm; tội phạm về trật tự xã hội giảm 5%; kết nạp trên 900 đảng viên.

Triển khai quyết liệt nhiệm vụ năm 2024 ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Ảnh: HL

 

Nghị quyết 23 cũng đã xác lập những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chỉ rõ những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất trong chỉ đạo, điều hành năm 2024, bao quát toàn diện các lĩnh vực.

Tất nhiên, quá trình này không hề dễ dàng, khi bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức, như thương mại toàn cầu đang suy giảm, suy thoái môi trường ngày càng gia tăng.

Mặt khác, biến đổi khí hậu khiến thiên tai diễn biến khó lường, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và động vật vẫn rình rập, đặt ra những thách thức chưa từng có, có thể làm chậm tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển của năm 2024.

Để vượt qua những thách thức này và hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu đề ra, ngày 12/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; các chương trình MTQG và đầu tư công năm 2024.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra. 

Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ thật sự quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Có giải pháp, biện pháp hiệu quả để phát huy cao nhất tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung.

Với tinh thần ấy trong tháng 1/2024, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết nhanh những điểm nghẽn, nút thắt, nhất là trong công tác giải phòng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thi công các công trình trọng điểm, triển khai các chương trình MTQG.

Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 1/2024 có mức tăng trưởng đáng kể. Ảnh: HL

 

Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy tình hình kinh tế tháng 1/2024 khá khả quan, khi các trụ cột như công nghiệp, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa đều tăng so với cùng kỳ.

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 22,09% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng ghi nhận hầu hết nhóm ngành sản xuất công nghiệp đều có chỉ số sản xuất tăng, từ chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất, đến sản xuất bàn ghế, chế biến gỗ.

Đáng chú ý là chỉ số sản xuất của nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao, như công nghiệp khai khoáng tăng tới 41,95%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 37,98%.

Về hoạt động tín dụng, ước đến ngày 31/1, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 46.700 tỷ đồng, tăng 0,4% (+188 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong tháng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 1/2024 có mức tăng trưởng đáng kể. Do đây là tháng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 1/2024 ước tính đạt 3.058,11 tỷ đồng, tăng 4,53% so với tháng trước và tăng 8,19% so với cùng kỳ năm 2023.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thág 1/2024 với khoảng 294,62 tỷ đồng, chiếm 9,63% trong tổng số, tăng 10,08% so với cùng kỳ.

Điều này càng cho thấy du lịch Kon Tum không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng mạnh mẽ, dần trở thành trụ cột trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Có thể khẳng định những kết quả khả qua trong tháng 1 là tiền đề, tạo đà cho phát triển cả năm 2024. Tuy nhiên, như Chỉ thị số 08 đã nêu rõ, không được phép chủ quan, lơ là, mà cần tiếp tục vào cuộc với quyết tâm cao nhất, với phương châm “đầu năm vất vả, cuối năm thong thả”.

Trong đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục “cởi trói” cho doanh nghiệp; thực thi hiệu quả các chính sách đẩy mạnh đầu tư công; khắc phục được những điểm nghẽn về thủ tục hành chính trong đầu tư. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dài hơi hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tạo tiền đề bứt phá.

Tiếp tục triển khai hiệu quả những chính sách phù hợp về mặt tài khóa, tiền tệ. Bên cạnh đó, chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, đề cao đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.                                 

Hồng Lam

Chuyên mục khác