Tạo sinh kế cho bà con giảm nghèo

06/05/2018 13:38

​Hỗ trợ “cần câu”, “con cá” và tận tình hướng dẫn bà con cách “câu cá”, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên luôn đồng hành, giúp hàng trăm hộ dân ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi có sinh kế làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Dẫn chúng tôi đi thăm nhóm leg chăn nuôi bò sinh sản của thôn Đăk Hú, xã Đăk Dục, trưởng nhóm - A Khen phấn khởi: “Từ 10 con bò được hỗ trợ ban đầu, nhóm mình đã gầy lên 20 con. Hiện nay, 2 con đang chuẩn bị đẻ. Bà con mình vui mừng lắm!”.

Anh Khen cho biết, tháng 10/2015, 10 hộ tại thôn Đăk Hú (trong đó có 7 hộ nghèo, cận nghèo và 3 hộ trung bình) được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 10 con bò giống, với mức khoảng 21 triệu đồng/con (do bà con cùng cán bộ dự án đi chọn, mua). Không chỉ hỗ trợ bò, Dự án còn đầu tư vật tư làm chuồng trại, thức ăn tinh bột, giống cỏ…

Được cho “cần câu”, 10 hộ trong thôn liền bàn bạc, chọn khu đất nhà chị Y Sim làm chuồng trại nuôi nhốt chung và chia nhau trồng 8 sào cỏ voi để đảm bảo thức ăn cho cả đàn. “Đây là tài sản chung của cả nhóm nên ai cũng có trách nhiệm. Mùa mưa, nhóm sẽ lên lịch phân công các thành viên đi chăn bò, trồng cỏ, cắt cỏ theo vòng. Mùa khô, cỏ khan hiếm, không thể chăn tập trung nên mỗi người khi đi làm sẽ tự dắt 1 con bò đi thả, cho ăn rồi chiều dẫn về chuồng. Hết tháng này đến tháng khác, nhóm họp, phân công lịch cụ thể nên mọi người rất đồng thuận” – anh Khen cho biết.

Vì phân lịch xoay vòng nên sau 1 tuần hoặc 10 ngày, 1 thành viên mới quay lại lượt chăn thả bò của mình. Tiết kiệm thời gian, nhân công, họ tập trung làm thêm lúa, mì để phát triển kinh tế.

Đàn bò của nhóm leg chăn nuôi bò sinh sản thôn Đăk Hú phát triển nhanh, sinh sản ổn định, tạo cơ hội giảm nghèo cho bà con. Ảnh: B.A

 

Trong suốt thời gian chăn nuôi, khi bò có biểu hiện bị bệnh, người dân liền báo với cán bộ Dự án, gọi thú y xuống khám, xử lý. Hơn thế, khi bò đến thời kỳ sinh sản, bà con trong nhóm theo dõi, báo với cán bộ Dự án để tìm giống bò tốt phối giống, đảm bảo chất lượng bò con.

Bà con tập trung chăm sóc, lại nhận được sự hỗ trợ của Dự án, đàn bò phát triển tốt, không đau ốm, sinh sản đều. Đến nay, ngoài việc gầy thêm được 10 con bò, nhóm leg chăn nuôi bò sinh sản thôn Đăk Hú còn bán được thêm 2 triệu tiền phân bò, gây quỹ.

Điều đáng mừng, nhìn thấy những hiệu quả mô hình mang lại, vừa chăn nuôi bò trong nhóm, chị Y Mát, anh A Khen còn chủ động mua thêm mỗi người 1 con bò để cùng chăn thả. “Con bò mình mới mua thêm đẻ được 2 con con rồi. Nhờ mô hình này, bà con mình có thêm cơ hội làm ăn” – chị Y Mát chia sẻ.

Trong năm 2017, với mục đích giúp bà con thoát nghèo, ngoài nhóm leg chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Đăk Hú, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cũng hỗ trợ, xây dựng 2 nhóm leg nuôi bò sinh sản cho 20 hộ dân trong xã. Điều đáng mừng, đến nay, bà con ở các nhóm đều có tinh thần trách nhiệm cao, chăm sóc tốt, giúp đàn bò phát triển, sinh sản đều.

Không chỉ xây dựng nhóm leg chăn nuôi bò sinh sản, với cách hỗ trợ tương tự, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cũng xây dựng 3 nhóm leg chăn nuôi dê sinh sản nhốt chuồng cho 30 hộ với 69 con dê; 5 nhóm leg chăn nuôi heo thịt cho 50 hộ (riêng nhóm nuôi heo, mỗi hộ được hỗ trợ 3 con heo, vật tư làm chuồng trại để chăn nuôi riêng tại nhà) trên địa bàn xã.

Cũng như các nhóm nuôi bò, các nhóm leg chăn nuôi heo thịt, chăn nuôi dê sinh sản nhốt chuồng cũng đem lại hiệu quả cao. “Mới đầu được hỗ trợ 23 con dê, nhóm mình chia làm 3 chuồng (2 chuồng do 3 hộ phụ trách và 1 chuồng do 4 hộ phụ trách) để chăn nuôi. Chỉ mấy tháng, dê đã đẻ được 8 con rồi. Hiện nay, bà con đang tập trung học về kỹ thuật chăn nuôi dê để phát triển thêm” – anh A Hào – nhóm trưởng nhóm leg chăn nuôi dê thả chuồng thôn Chả Nội 1 chia sẻ.

Hay nhóm leg chăn nuôi heo, được hỗ trợ ban đầu, có động lực, các hộ đã tập trung chăm sóc, xuất chuồng được 2 đợt. Từ tiền bán heo, nhiều hộ tiếp tục đầu tư chăn nuôi, dần dần cải thiện đời sống.

Bên cạnh việc xây dựng các nhóm leg chăn nuôi, dựa vào điều kiện thực tế tại địa phương, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cũng hỗ trợ giống lúa, phân bón bước đầu, giúp 2 nhóm với 24 hộ dân trên địa bàn xã Đăk Dục phát triển cây lúa nước. Ngoài ra, trong năm 2017, Dự án hỗ trợ vốn, để người dân trên địa bàn tự giám sát, làm gần 2km đường vào xóm.

Đồng hành với người nghèo, từ những hiệu quả đạt được, trong năm nay, Dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng thêm 2 nhóm leg chăn nuôi dê cho 36 hộ (hỗ trợ 33 con dê/nhóm); 5 nhóm leg nuôi heo cho 1 nhóm 14 hộ (hỗ trợ mỗi hộ 2 con); 1 nhóm lúa nước cho 14 hộ và 5 nhóm trồng rau chăn nuôi gia cầm cho 50 hộ dân.

Ông Hiêng Lăng Thuận – Chủ tịch UBND xã Đăk Dục nhấn mạnh: “Các mô hình của dự án giảm nghèo Tây Nguyên được triển khai khắp 11 thôn, làng, giúp người dân có cơ hội để phát triển kinh tế. Được hỗ trợ “cần câu”, “con cá” và hướng dẫn cách “câu cá”, bà con đã học hỏi được rất nhiều, chú tâm vào làm ăn. Cũng nhờ các hoạt động, sự hỗ trợ của dự án, trong năm 2017, thu nhập của người dân trên địa bàn xã đã tăng lên 19 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu so với năm 2016”.

Bình An

Chuyên mục khác