17/08/2017 06:01
Vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen), tôi gặp các cán bộ, nhân viên ở đây say mê với việc nghiên cứu khoa học và chăm sóc các loại cây trồng mới.
Ông Lê Duy Hùng - Trại trưởng của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đưa tôi đến thăm từng đối tượng cây trồng đang được nghiên cứu và khảo nhiệm như: lan kim tuyến, hồng đẳng sâm, đương quy, chuối Thái, dâu tây, các giống lan, cà chua bi Nhật, Thái… Bên cạnh đó, Trại còn làm dịch vụ sản xuất một số cây dược liệu, chuối cung cấp cho các doanh nghiệp phát triển và nhân rộng ở Măng Đen.
|
Trao đổi với tôi, chị Trần Thị Trinh - kỹ sư nông nghiệp cho biết, chị được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giao nhiệm vụ nghiên cứu trồng và chăm sóc dâu tây, đương quy, ớt chuông… Công nghệ tưới Trung tâm hiện đang sử dụng là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Mặc dù thiết bị tưới lâu ngày không còn hoạt động theo lập trình, nhưng chị cũng như các cán bộ tự theo dõi, pha chế phân bón, điều khiển nút tưới nhỏ giọt bằng tay. Cây trồng vẫn bảo đảm sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo ông Dương Anh Hùng- Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, ngay sau khi được thành lập năm 2016, Ban kiện toàn nhân sự, giao nhiệm vụ trực tiếp cho các trung tâm trực thuộc triển khai các hoạt động tại Khu. Đồng thời, Ban phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện Kon Plông thu hút các doanh nghiệp như Công ty Mê Kông, Công ty Inter Green Măng Đen, Công ty Sô Lavinna, Công ty 4 Ways (Australia), Công ty Awajinoshimasaien (Nhật Bản)… đầu tư vào Măng Đen.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen ký kết với Công ty CP Xây dựng 47, Ngân hàng Liên Việt Postbank, Đại học Cần Thơ, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng… phối hợp hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong Khu.
Khẳng định thêm lời ông Dương Anh Hùng, ông Bùi Thanh Phong - Chánh Văn phòng UBND huyện Kon Plông cho biết, hiện nay sản phẩm của các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang tạo ra nhiều loại hoa quả có giá trị như hoa ly ly, lan hồ điệp, hoa tuy lip, hoa lay ơn, bí Nhật, dâu tây, khoai tây, súp lơ… có giá trị cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tạo được sản lượng lớn, ổn định; chưa áp dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính còn ít; sản phẩm nông nghiệp chưa được kiểm nghiệm về chất lượng an toàn thực phẩm. Khi được cấp phép đầu tư, vẫn còn một số nhà đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm... Đây là những vấn đề tồn tại cần được tháo gỡ trong thời gian đến.
|
Để tháo gỡ những vấn đề tồn tại này, ông Dương Anh Hùng cho biết, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đang tiếp tục đẩy nhanh triển khai, hoàn thiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp; hoàn thiện thủ tục đầu tư trình UBND tỉnh quyết định ban hành và tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục đầu tư.
Ông Hùng khẳng định, Ban tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu thực nghiệm các loại giống cây trồng và hỗ trợ vốn trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tạo mối liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... tạo ra động lực mới ở Măng Đen.
Văn Nhiên