Tạo động lực cho nông dân làm giàu

02/11/2020 13:01

Là 1 trong 3 phong trào lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã phát huy hiệu quả trong thực tế ở tỉnh ta, giúp người nông dân từng bước vươn lên làm giàu, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ông A Cường- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để phong trào phát triển cả về chất và lượng, thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh không ngừng được đổi mới. Việc xây dựng các mô hình kinh tế, các cấp Hội trong tỉnh bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, các doanh nghiệp triển khai tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... cho hàng ngàn lượt hội viên. Qua đó, giúp nông dân đa dạng hóa việc làm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn ở địa phương; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhằm khích lệ nông dân thay đổi tư duy, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, các cấp Hội Nông dân của tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, công ty phân bón... tổ chức 16 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo về khoa học kỹ thuật chăn nuôi và chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm; chăm sóc hoa lan, trồng rau mầm, rau nhà lưới, nuôi gà thả vườn, nhận dạng sâu bệnh, sử dụng phân bón... với 819 lượt hội viên, nông dân tham dự.

Bên cạnh việc chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục vận động nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân áp dụng kỹ thuật bón phân cho cây trồng và cải tạo đất; đăng ký thực hiện danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi... Trong năm 2020 có 9.664 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.

Trung tâm cá giống Tá Tiến của ông Nguyễn Hữu Tá ở thị trấn Đăk Hà. Ảnh: VP

 

Điểm nhấn của phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là trong thời gian qua có nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào  sản xuất kinh doanh và đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm; hàng trăm hội viên nông dân thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, thử nghiệm và nhân rộng các giống mới, góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn như mô hình Trung tâm cá giống Tá Tiến của ông Nguyễn Hữu Tá ở thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà); mô hình chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Thành ở xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi); mô hình VAC của ông Vũ Mạnh Khải ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy); mô hình trồng rau VietGap của Tổ hợp tác phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum… Đặc biệt, với mô hình Trung tâm cá giống và thức ăn thủy sản Tá Tiến, ông Nguyễn Hữu Tá vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.

 Để nâng cao hiệu quả phong trào, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường liên kết đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao; khai thác hiệu quả nguồn vốn từ hoạt động tín chấp; vận động nông dân liên kết để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, HTX; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, làm cầu nối liên kết, hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân; gắn phong trào sản xuất kinh doanh giỏi với công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân - ông A Cường cho biết thêm.        

Dương Lê

Chuyên mục khác