27/09/2019 13:55
Ông Trương Quang Tri - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông thông tin, 8 tháng đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, đã tập trung nguồn vốn cho vay phát triển các loại cây dược liệu như đảng sâm (còn gọi là sâm dây) và sâm Ngọc Linh. Đối tượng được ưu tiên tăng nguồn vốn vay thuộc diện nghèo hoặc đối tượng chính sách có kinh nghiệm, chịu khó trong làm ăn cải thiện cuộc sống. Mỗi hộ được tạo điều kiện vay vốn theo quy định từ 50-100 triệu đồng, với thời gian trả lãi và vốn trong 5 năm.
Qua giới thiệu của Ngân hàng CSXH, chúng tôi đến thăm nhà chị Y Tý ở thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng). Chị Tý cho biết, gia đình có gần 5 sào đất sản xuất trước nay chỉ biết trồng mì. Tuy nhiên, mỗi năm cây mì cho thu hoạch không đều, lúc được 6 tấn/năm, có năm được mùa đạt tầm 8,5 tấn và bán củ thu tiền về được 10 -13 triệu đồng/năm.
“Thu nhập 10-13 triệu đồng/năm, mà gia đình tôi có 6 nhân khẩu, nên không đủ tiền gạo mắm mỗi năm. Do đó, đầu năm đến cuối mùa thu hoạch mì, tôi thường phải mua nợ gạo, thức ăn hàng ngày ở các tư thương quen biết trong xã Tê Xăng. Đến mùa thu hoạch mì, tôi đem tiền ra trả. Bởi thế, 10 năm qua, vợ chồng không có đồng vốn tích lũy. Tôi cũng muốn đầu tư trồng cây khác cho thu nhập cao hơn, nhưng không có vốn…” - chị Tý kể.
Cũng theo chị Tý, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình thuộc diện nghèo không có vốn sản xuất, cuối năm 2018, Chi hội Phụ nữ thôn Đăk Viên đã bình xét đưa tên chị vào danh sách kiến nghị lên Hội Phụ nữ xã Tê Xăng đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Đến đầu năm 2019, chị được cán bộ tín dụng chính sách, tổ tiết kiệm vay vốn thôn Đăk Viên đến nhà tư vấn, khảo sát và hướng dẫn lập hồ sơ giải ngân vốn 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị đã mua được 350 gốc sâm giống Ngọc Linh của hội viên chia lại để trồng ở rẫy nhà.
|
Còn chị Y Bắp - Chủ tịch Hội LHPN xã Tê Xăng cho hay, từ năm 2018 đến nay, đã có khoảng 80 hội viên phụ nữ vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng cây sâm dây, sâm Ngọc Linh. Qua theo dõi, các chị vay vốn đều trả lãi, nợ gốc đúng thời hạn quy định hàng tháng. Việc làm của ngân hàng đã giúp rất nhiều bà con nghèo có vốn vay cần thiết mua cây con giống, mặt khác tránh được việc vay “nóng” ở ngoài xã hội với lãi suất cao. Hơn nữa, 3 năm trở lại đây, cũng nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, có 30 chị em đã thoát nghèo, vươn lên làm ăn khấm khá từ việc đầu tư trồng sâm dây. Đặc biệt, có 8 hộ hội viên phụ nữ là lao động chính ở thôn Đăk Viên bán sâm dây đã xây dựng nhà ở mới trị giá hơn 100 triệu/căn.
Trường hợp khác được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vốn trồng dược liệu là anh A Đang ở thôn Đăk Dơn (xã Măng Ri). Anh Đang tâm sự: Tháng 3/2019, tôi và 2 hộ khác cùng vay vốn Ngân hàng CSXH để trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ. Với tổng vốn vay 300 triệu đồng/3 hộ, chúng tôi mua và trồng được khoảng 600 gốc. 3 nhà phân công 3 lao động cùng tham gia rào lô đất liền kề nhau, tiếp đó tiến hành lên luống và đưa cây giống mua mới để trồng. Để bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh, mỗi tuần sẽ giao cho 1 gia đình luân phiên trực để bảo đảm an toàn cây sâm.
Chủ tịch UBND xã Măng Ri - Nguyễn Bá Thành đánh giá, xã đã phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông, các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả ở xã, thôn. Từ đây, đưa nguồn vốn đến tận tay hộ nghèo, hộ chính sách đúng quy định, góp phần phát triển diện tích trồng cây dược liệu. Qua theo dõi ở địa phương, người dân vay vốn ưu đãi trồng được 37ha sâm dây, hơn 1ha sâm Ngọc Linh và liên kết với các công ty trồng hơn 3ha sâm Ngọc Linh.
Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng CSXH huyện, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, huyện Tu Mơ Rông có gần 250 hộ nghèo, hộ chính sách được tiếp cận vốn vay chính sách, với tổng doanh số cho vay hơn 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng mới các loại cây dược liệu, góp phần nâng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Có thể nói, đây là cơ hội tốt cho các hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn Tu Mơ Rông sớm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mai Trâm