Tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển bền vững

07/07/2018 07:30

​Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển, trong những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển bền vững. Bởi kinh tế hợp tác có vai trò rất quan trọng, là một trong những “lực đẩy” góp phần tạo ra động lực cho kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh tổ chức hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ cho các hợp tác xã và tham vấn cho việc thành lập các hợp tác xã trên địa bàn.

Đó là: mở các lớp tập huấn về thành lập các hợp tác xã; hội thảo vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm của các hợp tác xã điển hình tiên tiến; tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các hợp tác xã điển hình tiên tiến...

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh và vốn giải quyết việc làm để các hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh cùng nhiều giải pháp khác đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã.

Hợp tác xã Thần Nông (thành phố Kon Tum) xây dựng thương hiệu sầu riêng hạt lép. Ảnh: V.N

 

Ông Nguyễn Lâm Cảnh - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh khẳng định, bằng những nỗ lực nêu trên, tình hình hoạt động của kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã ở tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 103 tổ hợp tác, 88 hợp tác xã đang hoạt động thu hút 8.890 thành viên và người lao động. Đặc biệt, tỉnh xây dựng 7 hợp tác xã điển hình tiên tiến trên một số lĩnh vực để góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển; các hợp tác xã điển hình tiên tiến này là cơ sở để các hợp tác xã khác học hỏi kinh nghiệm nhằm nhân ra diện rộng.

Mặc dù tiềm lực kinh tế của các hợp tác xã trong tỉnh không mạnh bằng ở một số tỉnh bạn, nhưng tổng nguồn vốn hoạt động của các hợp tác xã ở tỉnh đến nay là 239 tỷ đồng, bình quân mỗi hợp tác xã 3,52 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hợp tác xã khoảng 1,78 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân hợp tác xã trên 200 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã 44 triệu đồng/năm.

Trong quá trình đổi mới hoạt động, các hợp tác xã chủ động liên doanh, liên kết với nông dân; hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; hợp tác xã với hợp tác xã... nhằm hướng đến phát triển hợp tác xã bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội một cách thiết thực, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Các hoạt động liên doanh, liên kết của các hợp tác xã tập trung ở các khâu như cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu một số hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng.

Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) liên kết với 104 hộ dân sản xuất trên 200ha cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới tiêu phun mưa tự động. Sản phẩm của hợp tác xã này chế biến ra được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm cà phê của Sáu Nhung đáp ứng nhu cầu của thị trường và có mặt ở nhiều địa phương trong nước.

Hợp tác xã Cựu Quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) liên kết với Hợp tác xã Quyết Thắng (huyện Ngọc Hồi) chuyển giao mô hình trồng các loại nấm, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Sản phẩm nấm của Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring góp mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước, với các đầu mối ở Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, Sài Gòn… Việc sản xuất thành công nhiều loại nấm và tiếp cận nhiều thị trường bảo đảm đầu ra ổn định, giúp cho nhiều thành viên nâng cao đời sống và từng bước làm giàu.  

Ở Hợp tác xã Thanh Định, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Tâm (huyện Đăk Tô) đã ký kết hợp đồng liên kết với Công ty CP Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Việt Nam sản xuất. Theo đó, Công ty này cung ứng giống cây bơ, nghệ đỏ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã.

Chúng ta có thể thấy, việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động, nhất là ở các hợp tác xã liên kết và xây dựng chuỗi giá trị, các hợp tác xã ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững hơn. Chính sự phát triển bền vững sẽ giúp các hợp tác xã có điều kiện thực hiện tốt chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác