06/06/2024 13:16
Xã Diên Bình có 335,6ha đất bán ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông, trong đó, có 69,25ha được bà con tận dụng để trồng các loại cây như lúa, mì, bắp, đậu. Để sử dụng quỹ đất này hiệu quả, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với đơn vị quản lý, điều hành công trình thủy điện thông báo thời gian điều tiết mực nước để người dân biết, chủ động tổ chức canh tác các loại cây trồng phù hợp.
Hàng năm vào cuối tháng 2, khi mực nước hồ thủy điện Plei Krông rút xuống mức an toàn, ông Trần Minh Tâm (thôn 8) xuống giống trồng mì trên 5.000m2 đất bán ngập. Nhờ lượng phù sa màu mỡ cùng sự đầu tư chăm sóc bài bản nên trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được 30 tấn mì củ, thu về gần 90 triệu đồng.
|
“Đất bán ngập nhiều phù sa, màu mỡ nên cây mì phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất ổn định. Trong quá trình trồng, tôi luôn cẩn trọng từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh hại. Để có điều kiện canh tác lâu dài bản thân tôi luôn chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, diệt trừ cây mai dương” - ông Tâm cho hay.
Cách đó không xa là ruộng lúa của gia đình ông Huỳnh Ngọc Hoàng (thôn 1). Với 5 sào đất bán ngập, hàng năm gia đình ông đều trồng giống lúa Đài Thơm 8. Theo ông Hoàng, một vụ lúa trồng trên đất bán ngập thường kéo dài khoảng 4 tháng. Nhờ có lượng phù sa màu mỡ cùng việc chăm sóc đúng kỹ thuật nên diện tích lúa của gia đình ông sinh trưởng tốt, năng suất lúa bình quân đạt 6 tạ/sào.
“Cũng như mọi năm, năm nay cuối tháng 2 tôi đã bắt đầu gieo trồng giống lúa Đài Thơm 8. Khoảng 10 ngày nữa diện tích lúa của gia đình tôi sẽ cho thu hoạch, dự sẽ thu được khoảng 6,5 tạ/sào. Hiện tại, giá lúa Đài Thơm 8 đang được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng. Nếu thời tiết vẫn thuận lợi, giá cả vẫn ở mức 10.000 đồng thì vụ lúa năm nay gia đình tôi bội thu” - ông Hoàng phấn khởi cho hay.
Như thường lệ, vào khoảng cuối tháng 2, gia đình bà Ngô Thị Hường lại xuống giống trồng đậu phộng. Bà Hường cho hay, với 5 sào đậu phộng mỗi năm bà thu hoạch được khoảng 1,5 tấn tươi. Với giá bán tươi 20.000-22.000 đồng/kg, mỗi năm bà thu về hơn 30 triệu. Nhờ vậy, bà có thêm khoản để mua sắm tiện nghi trong gia đình cũng như đầu tư phát triển sản xuất.
|
“Gia đình tôi đã trồng đậu phộng trên đất bán ngập được hơn 4 năm, tận dụng thời điểm nước rút vào cuối tháng 2, tôi tiến hành xuống giống. Đậu phộng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, đặc biệt là ở khu vực bán ngập. Phải nói rằng, đất ở khu vực bán ngập màu mỡ, tơi xốp nên đậu phộng rất chất lượng, năng suất cao. Mỗi năm tôi chỉ trồng được 1 vụ đậu phộng, 1 vụ thì chỉ cần tưới nước từ 3 - 5 lần. Trong quá trình canh tác, bên cạnh việc đầu tư chăm sóc, tôi và các hộ dân ở đây luôn chú ý diệt trừ cây mai dương và không gây ảnh hưởng đến lòng hồ” - bà Hường cho hay.
Ông Thái Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, thông thường, mỗi vụ canh tác trên đất bán ngập kéo dài từ 4 - 6 tháng, bắt đầu từ thời điểm mực nước của hồ thủy điện Plei Krông rút xuống và thu hoạch trước khi hồ thủy điện tích nước. Với lượng phù sa màu mỡ, nước rút kéo dài đã giúp người dân trên địa bàn có những vụ mùa bội thu, tăng thêm thu nhập, đời sống ngày càng ổn định.
“Địa phương thường xuyên theo dõi, tuyên truyền cho người dân khi sản xuất trên đất bán ngập phải đảm bảo an toàn lòng hồ, không tự ý san ủi làm ảnh hưởng đến lòng hồ và chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, diệt trừ các loại cây gây hại đến lòng hồ, nhất là cây mai dương. Qua kiểm tra, theo dõi, bà con thực hiện rất tốt các nội dung đã được tuyên truyền. Bên cạnh đó, bà con cũng tích cực lao động sản xuất, đem lại nguồn thu nhập đáng kể từ sản xuất trên diện tích bán ngập” - ông Thái Ngọc Châu cho biết thêm.
Thu Hiền