Tăng khả năng tiếp cận vốn, tín dụng phát triển kinh tế tập thể

03/08/2019 13:03

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Kon Tum về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế”, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng...

Theo ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh, để kinh tế tập thể tăng khả năng tiếp cận vốn, tín dụng, Chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn, tín dụng; cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng xây dựng nông thôn mới cho các chương trình tín dụng chính sách, tập trung đầu tư các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Thực hiện các chính sách trên, tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay đối với tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh đạt 10,35 tỷ đồng, với 138 khách hàng, tăng 9,84 tỷ đồng so với năm 2013. Ở các quỹ tín dụng nhân dân (TDND), hoạt động cho vay cũng có những chuyển biến tích cực. Tổng vốn hoạt động đến cuối năm 2018 là 201 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 184,29 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017; nợ xấu chỉ chiếm 0,55% tổng dư nợ. Các quỹ TDND sử dụng vốn hiệu quả, khả năng thu hồi nợ cao, hầu hết các món vay đều có tài sản thế chấp.

Để hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, hiện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn, tín dụng cho kinh tế tập thể. Về phần mình, các HTX cần nâng cao năng lực quản trị, tài chính bằng cách thu hút thêm vốn cổ phần, tăng cường tích luỹ vốn; thực hiện nghiêm Luật Kế toán đảm bảo tính chính xác, kịp thời thông tin cung cấp cho ngân hàng.

Đối với các quỹ TDND, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh tiếp tục chỉ đạo củng cố, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các quỹ TDND.  Theo đó, Chi nhánh tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện các quỹ TDND phát triển thêm thành viên, tăng thêm nguồn vốn, tích cực huy động vốn trong dân cư để đáp ứng nhu cầu cho thành viên, tăng trưởng dư nợ mở rộng quy mô hoạt động an toàn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, kiến nghị, chấn chỉnh kịp thời để hoạt động quỹ TDND trên địa bàn phát triển ổn định và bền vững.

Nhiều thành viên trong Tổ hợp tác phát triển rau xứ lạnh được vay vốn phát triển rau an toàn ở Măng Đen. Ảnh: VN

 

Trong công tác quản lý, Chi nhánh giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các quỹ TDND trên địa bàn, đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; kịp thời phát hiện và điều chỉnh phương án được phê duyệt phù hợp với thực tế triển khai. 

Để nâng cao khả năng hoạt động, Chi nhánh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các quỹ TDND thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ TDND; Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ TDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 2/10/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh đang góp phần tạo điều kiện để kinh tế tập thể tiếp tục phát triển mạnh trong những năm đến.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác