Tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

21/12/2019 06:01

Ngay sau khi Luật Lâm nghiệp 2017 được Quốc hội thông qua (Luật Lâm nghiệp được thông qua ngày 15/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019), các cấp chính quyền, ngành chức năng, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đến nay, các quy định của pháp luật đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Kon Tum là địa phương có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn (779.031,2ha), hầu hết được giao cho chủ rừng là tổ chức, cá nhân quản lý bảo vệ. Trong Luật Lâm nghiệp 2017, chủ rừng có 9 quyền (Điều 73) và 7 nghĩa vụ (Điều 74). Trong 7 nghĩa vụ, nghĩa vụ “Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan” được xem là quan trọng nhất, vì từ nay chủ rừng buộc phải xây dựng Quy chế quản lý rừng bền vững. Sau đó mới đến các nghĩa vụ khác như: Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng; chấp hành sự quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…

Vai trò và trách nhiệm của chủ rừng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Lâm nghiệp 2017. Trường hợp để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngoài việc xử lý, xử phạt đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hành vi vi phạm, chủ rừng là tổ chức hoặc cá nhân cũng bị xử lý, xử phạt vì không thực hiện tròn trách nhiệm theo Khoản 12, Điều 20, Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của BQL Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đi tuần tra rừng. Ảnh: ĐT

 

Ông Đỗ Tiến Trinh - Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy cho biết, hiện nay, các vụ việc phá rừng hoặc phát rừng làm rẫy với diện tích 300m2 đã được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lý, trước đây là 500m2.Vì vậy, ngoài việc tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp 2017, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chủ động phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương tăng cường hoạt động tuần tra ngày đêm với phương châm “giữ rừng tận gốc”.

Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray chia sẻ, Luật Lâm nghiệp 2017 nêu rất rõ trách nhiệm của chủ rừng trong công tác quan lý, bảo vệ rừng và chủ rừng hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất mát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý. Do vậy, đơn vị luôn xác định trách nhiệm thuộc về mình trước tiên, đặt nhiệm vụ bảo vệ rừng lên hàng đầu, sau đó mới đến nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, địa phương liên quan.

Điều 103, 104, 105, 106, Mục 2, Chương XI, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách đối với kiểm lâm.

Theo ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, ngành Kiểm lâm có 3 cấp: Kiểm lâm Trung ương, Kiểm lâm tỉnh và Kiểm lâm huyện. Lực lượng kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu cho các cấp triển khai các nội dung có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nhưng chưa được giao, chưa cho thuê (chưa có chủ); tổ chức lực lượng chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng và theo dõi diễn biến rừng hàng năm; tổ chức đấu tranh, phòng ngừa kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh cất giấu, chế biến lâm sản…

Cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) phổ biến Luật Lâm nghiệp 2017 cho người dân. Ảnh: ĐT

 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và có nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể, trong đó xác định bảo vệ rừng là nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Trước đây, khi xảy ra trường hợp khai thác rừng trái pháp luật, hầu như kiểm lâm là lực lượng bị điều chỉnh trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp 2017, vấn đề này được quy trách nhiệm cụ thể, rừng giao cho cá nhân nào và rừng đã có chủ thì việc tổ chức, quản lý bảo vệ ở diện tích rừng đó là của chủ rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Phú - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy cho hay, ngay khi Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực thi hành, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy chủ động tham mưu UBND huyện các nội dung liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các xã, đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền (tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép tại các buổi sinh hoạt cộng đồng) phổ biến các nội dung của Luật, 4 Nghị định, 7 Thông tư liên quan đến việc thi hành Luật cho người dân, cán bộ, công chức biết và tổ chức các cuộc tuần tra, truy quét. Trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy phối hợp tổ chức gần 70 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 4.200 lượt người tham gia và tổ chức 82 cuộc tuần tra, truy quét.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của UBND các cấp, Khoản 4, Điều 102, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định rõ: “Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý”.

Với quy định này, hiện nay, nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng thì Chủ tịch UBND của địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Chủ tịch UBND cấp trên. Thực hiện quy định này, thời gian qua, UBND các cấp đã chủ động hơn và có nhiều chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong công tác quản lý lâm nghiệp tại địa phương mình.

Trong năm 2019, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh giảm 44 vụ so với năm 2018 (giảm 9,9%), diện tích thiệt hại giảm 6,07ha (giảm 24,22%). Đây là kết quả bước đầu, là sự nỗ lực của các chủ rừng, ngành Kiểm lâm, các cấp chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân sau khi Luật lâm nghiệp 2017 có hiệu lực thi hành và đi vào đời sống.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với việc triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, trong những năm tới, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ gìn tài nguyên rừng của quốc gia.            

Đức Thành

Chuyên mục khác