Tăng cường quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh

17/09/2019 06:02

So với một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Kon Tum có nguồn khoáng sản tương đối lớn và phong phú, các hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua đã góp phần tạo điều kiện để tỉnh phát triển các ngành công nghiệp. Chính vì thế, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản là một trong những vấn đề luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo trong suốt những năm qua, nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.

Trong những năm qua, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý nhà nước về khoáng sản; chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tăng cường kiểm tra đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, việc khai thác khoáng sản trong thời gian qua còn những tồn tại, bất cập, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh. Một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác cát, sỏi, đất san lấp phục vụ nhu cầu xây dựng của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Với chức năng tham mưu quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn, bảo đảm tài nguyên khoáng sản được khai thác hợp lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không để thất thoát và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh cấp phép 66 điểm mỏ, trong đó có 23 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 41 điểm mỏ cát, 1 mỏ than bùn và 1 mỏ đất san lấp cho 49 công ty, 7 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 2 xí nghiệp và 4 hộ gia đình cá nhân. Tính đến tháng 6/2019, tổng số điểm mỏ đã được cấp phép đi vào hoạt động khai thác là 51 điểm mỏ thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát (trong đó 19 mỏ đá, 32 mỏ cát), còn 15 điểm mỏ đang lập thủ tục trước khi khai thác gồm 3 mỏ đá, 10 mỏ cát, 1 mỏ than bùn và 1 mỏ đất san lấp.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ký cam kết về việc khẩn trương thực hiện lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Việc lắp đặt phải hoàn thành trước ngày 30/9/2019 đối với các đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có công suất khai thác từ 50.000m3/năm trở lên và các dự án khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường có công suất khai thác từ 25.000m3/năm trở lên. Các điểm mỏ còn lại phải hoàn thành trong quý II năm 2020. 

Tình hình khai thác khoáng sản thời gian gần đây dần đi vào nề nếp. Ảnh: BC 

 

Để siết chặt hơn nữa công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, ngày 30/8/2019, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản; chấp hành nghiêm theo các chỉ đạo của tỉnh và Trung ương về tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, nhất là đối với hành vi khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thực hiện không đúng nội dung trong Giấy phép khai thác khoáng sản; gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm tra, hướng dẫn và xử lý theo quy định đối với hoạt động thu hồi khoáng sản trong diện tích xây dựng công trình.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được phê duyệt; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khoáng sản, nhất là ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh địa giới hành chính, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông. Cùng với đó, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép...

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; những vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản đều được ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.

Như tại huyện Sa Thầy, trước đây, cũng như một số địa phương khác, hoạt động khai thác cát, sỏi trên các lòng sông, suối vẫn thường xuyên diễn ra, người dân chủ yếu khai thác nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở. Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về các quy định trong quản lý tài nguyên khoáng sản, không để người dân tự ý sử dụng máy móc cơ giới thực hiện các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Nhờ sự quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng, đến nay trên địa huyện Sa Thầy không còn xảy ra thường xuyên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép...

Bằng các giải pháp mạnh và đồng bộ, việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây từng bước được ngăn chặn. Song, thiết nghĩ, để công tác quản lý ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh...      

Bảo Châu  

Chuyên mục khác