Tăng cường quản lý dịch hại trên cây trồng

03/01/2024 14:09

Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2/1 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố tăng cường quản lý dịch hại trên cây trồng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Chỉ thị nêu rõ, UBND các huyện, thành phố cần triển khai hiệu quả công tác phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây trồng tại địa phương. Trong đó tập trung chỉ đạo diệt trừ cây mai dương, bệnh khảm lá trên cây mì, sâu bệnh hại trên cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc linh (nếu có), không để lây lan ra diện rộng.

Tăng cường quản lý dịch bệnh gây hại trên cây trồng. Ảnh: TH

 

Tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, phát hiện xử lý sớm, dứt điểm ngay từ ban đầu các đối tượng gây hại trên cây trồng. Phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phòng trừ, khống chế sinh vật gây hại trên cây trồng, tránh tình trạng chủ quan, lơ là, kiên quyết không để sinh vật gây hại lây lan và phát triển thành dịch.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân bằng các hình thức phù hợp về thời điểm phát sinh và các biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh hại cụ thể trên từng loại cây trồng ở từng thời điểm (trong đó lưu ý khuyến cáo giai đoạn phòng trừ hiệu quả nhất) để người dân biết, áp dụng.

Chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng có khả năng phát sinh trong thời gian tới; khuyến cáo người dân sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh; vệ sinh đồng ruộng; bố trí thời vụ hợp lý; gieo trồng đúng kỹ thuật.

Sử dụng thuốc bảo vệ  thực vật khi thật cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo đúng thời gian cách ly của thuốc; sử dụng phân bón cân đối hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức chống chịu, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích. 

Sử dụng phân bón hợp lý. Ảnh: TH

 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); có giải pháp chỉ đạo, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đầy đủ, kịp thời để phục vụ sản xuất.

Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ thông báo kịp thời về tình hình sâu, bệnh hại, dự báo thời điểm phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật, phòng trừ hiệu quả để các địa phương, người nông dân biết, áp dụng.

Tập huấn, hướng dẫn người sản xuất và các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, GloballGAP, kỹ thuật trong quá trình canh tác để đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình IPM,  ICM, IPHM trên các loại cây trồng để người nông dân tham khảo, áp dụng và nhân rộng.

Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp ngăn chặn và xử lý bệnh khảm lá trên cây mì, diệt trừ cây mai dương, đảm bảo không để lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người dân.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, mua bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông tin đến người dân những cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, uy tín; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).    

Thành Hưng

Chuyên mục khác