Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi

16/06/2023 06:16

Công trình thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, góp phần điều tiết, thoát lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương, đơn vị quản lý luôn chú trọng vấn đề bảo đảm an toàn cho các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh, nhất là trước khi bước vào mùa mưa lũ.

Toàn tỉnh hiện có 594 công trình thủy lợi đang được đưa vào khai thác sử dụng, trong đó, Ban Quản lý- Khai thác các công trình thủy lợi quản lý, vận hành 178 công trình; số còn lại được giao cho cấp huyện quản lý, khai thác. Trong số đó, có những công trình lớn như hồ Đăk Uy (huyện Đăk Hà) có dung tích 29,7 triệu m3 nước; các hồ Đăk Yên (thành phố Kon Tum), Đăk Loh (huyện Đăk Hà), Đăk Rơn Ga (huyện Đăk Tô) có dung tích từ 3-10 triệu m3.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có công trình Hồ cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Bla quản lý, vận hành là công trình lớn thuộc đối tượng quản lý an toàn đập.

Các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả. Ảnh: T.H

 

Các công trình thủy lợi nằm rải rác trên địa bàn 10 huyện, thành phố, trong đó có nhiều công trình được đầu tư xây dựng đã lâu, nên đến nay bị xuống cấp. Thống kê của ngành Nông nghiệp, trước mùa mưa lũ toàn tỉnh có 27 hồ chứa, 14 đập thủy lợi, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, hư hỏng.

Đến thời điểm này, tỉnh ta đã bước vào mùa mưa bão, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... có thể xảy ra bất cứ lúc nào và có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của các công trình thủy lợi.

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, trong mùa mưa lũ năm nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, khoảng từ 3- 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh ta gây mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng dẫn đến lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Do đó, để chủ động đối phó với mưa, lũ cực đoan, bão, áp thấp nhiệt đới, từ cuối mùa khô, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan, các địa phương xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023. Đồng thời, tỉnh cũng đã phân bổ 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để triển khai nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.

Việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.H

 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời chỉ đạo, đôn đốc Ban Quản lý- Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ, đập, chủ động ứng phó thiên tai năm 2023 nhằm chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống bất thường do thiên tai gây ra, giảm thiểu mọi thiệt hại về tài sản của Nhà nước và thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân.

Theo đó, các đơn vị tiến hành kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý; sửa chữa, gia cố, bảo vệ các công trình nhằm tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Đến thời điểm hiện tại, 65 hồ chứa, 12 đập dâng thuộc diện quản lý an toàn và Hồ cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla đã kê khai và thực hiện đăng ký an toàn đập; xây dựng quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa và quy trình bảo trì cho từng hạng mục công trình đập, hồ chứa. 14 hồ chứa quy mô lớn và 1 đập dâng lớn đã lập quy trình vận hành cửa van hồ chứa. 27/77 công trình nằm trong danh mục quy định đã tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; 19/48 công trình phải cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình đã thực hiện cắm mốc. Các công trình đã được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý cũng bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; tổ chức trực ban trong mùa mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, mực nước hồ chứa, trên các sông, suối vùng hạ du, vùng trũng thấp để chủ động có phương án điều tiết hồ chứa thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được giao; nạo vét khơi thông dòng chảy, cửa vào các cống tiêu thoát nước.

Tuy nhiên, trong hệ thống hồ đập hiện tại có nhiều công trình bị xuống cấp, nhưng chưa có nguồn lực để đầu tư sửa chữa; một số hồ chứa, đập dâng có tràn xả lũ tạm bằng đất hoặc không có đường quản lý vận hành, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra… nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do đó, các đơn vị quản lý tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng huy động khi cần thiết.

Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du các đập; huy động lực lượng chủ động tham gia bảo vệ các công trình; tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm gây mất an toàn công trình thủy lợi.   

Thiên Hương

Chuyên mục khác