10/11/2019 06:13
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Tại Khu Kinh tế hiện có 51 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 1.160 tỷ đồng, với nhiều ngành nghề sản xuất đa dạng và cung ứng các dịch vụ như kho bãi, đổi tiền, bán hàng miễn thuế, xăng dầu, nhà hàng, khách sạn... Ngoài ra, còn có trên 1.350 hộ gia đình kinh doanh buôn bán.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 10/2019, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua Khu Kinh tế đạt kim ngạch 954,9 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 284,9 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt gần 670 triệu USD, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.072,4 tỷ đồng. Số lượng hành khách xuất nhập cảnh đạt gần 1,5 triệu lượt người và số lượng phương tiện xuất nhập cảnh đạt 186,6 ngàn lượt .
Cùng với sự giao lưu hàng hóa ngày càng tăng, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Khu Kinh tế cũng có chiều hướng phức tạp. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên chú trọng công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đi qua Khu Kinh tế.
|
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tính từ năm 2015 đến tháng 9/2019, tại Khu Kinh tế, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 388 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, 122 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm; 266 vụ vi phạm hành chính về khai báo hải quan. Qua đó, các ngành chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 320 vụ với số tiền 2,23 tỷ đồng, thu giữ 136.167 viên ma túy tổng hợp, 2kg cần sa, 3.310kg pháo nổ các loại và 114m3 gỗ các loại.
Tuy nhiên, theo ông Lê Như Nhất, địa bàn Khu Kinh tế có phạm vi rộng, đường biên giới dài, nhiều đồi núi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có nhiều đường mòn qua lại khu vực biên giới… nên thuận tiện cho các đối tượng tiến hành xâm nhập và gây khó khăn cho lực lượng tuần tra, kiểm soát. Trong khi đó, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện hoặc lợi dụng rừng núi, đêm tối để chạy trốn sang nước bạn.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân trên địa bàn có cuộc sống khó khăn, một số người trình độ nhận thức còn hạn chế nên đã bị các đối tượng mua chuộc tham gia vận chuyển hàng hóa trái phép.
Trong khi đó, trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm của lực lượng chức năng còn thiếu và đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; hệ thống barie chưa đạt chuẩn, thường xuyên hư hỏng, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát người và phương tiện qua lại cửa khẩu.
Để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới tại Khu Kinh tế đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong Khu Kinh tế và nhân dân vùng biên giới, khách qua lại cửa khẩu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đấu tranh chống sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu trái phép, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát nắm bắt tình hình, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế không sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực hiện đầu tư và hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đôn đốc các ngành công tác tại Khu Kinh tế nêu cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm, phối kết hợp tốt, tích cực đấu tranh phát hiện bắt giữ và xử lý nghiêm minh những vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới; tích cực phối hợp với Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa của nước bạn Lào làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới...
Hà Nguyên