Tăng cường liên kết kinh tế quốc tế theo hướng đa dạng

22/08/2023 13:04

Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã chủ động, đổi mới tư duy, tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế, liên kết kinh tế quốc tế theo hướng đa dạng, linh hoạt và bám sát thực tiễn của địa phương.

Tỉnh Kon Tum đã duy trì, tăng cường hợp tác với 4 tỉnh Nam Lào (Attapư, Sê Kông, Salavan và Chămpasak) và 2 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Stung Treng), tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan, thành phố Iksan và quận Jinan của Hàn Quốc, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để triển khai các nội dung hợp tác kinh tế tập trung tại các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp và du lịch.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc... để vận động nguồn vốn hỗ trợ cùng với nguồn lực công đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quang cảnh Lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Kon Tum và Stung-Treng (Campuchia). Ảnh: T.V.P

 

Ngoài ra, lồng ghép, chủ động đưa các nội dung ngoại giao kinh tế vào hoạt động đối ngoại. Tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương bao gồm hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, hợp tác Tiểu vùng Mê Công, hành lang kinh tế Đông - Tây, tham gia các hội nghị hợp tác, sự kiện quảng bá địa phương để tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và bước đầu kết nối để tiến tới xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị với một số địa phương của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a...

Cơ cấu ngành nông nghiệp đã được chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, dược liệu, mì, ... xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực để đầu tư phát triển một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, cây ăn quả, rau hoa xứ lạnh, cà phê chè...

Bước đầu hình thành và phát triển công nghiệp chế biến với 30 cơ sở quy mô vừa trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án FDI của nhà đầu tư Trung Quốc với vốn đăng ký 1.072 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng mức vốn đăng ký 5.112 tỷ đồng của các nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Singapore tập trung tại các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp và văn hóa, văn nghệ.

Tỉnh Kon Tum và tỉnh Sê Kông (Lào) ký kết hợp tác giai đoạn 2022 - 2027. Ảnh: DN

 

Từ năm 2013 đến tháng 7/2023 có 5 tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài đã tài trợ cho tỉnh triển khai 16 dự án sử dụng vốn ODA với tổng vốn ODA cam kết 2.928 tỷ đồng. Các dự án tập trung ở các lĩnh vực chính như nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo, năng lượng, hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo...

Ngoài ra, có 31 tổ chức phi chính phủ, cá nhân và tổ chức nước ngoài viện trợ 16,8 triệu USD tương đương 400 tỷ đồng (vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc ODA) thông qua 65 chương trình, dự án, phi dự án trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, dự án viện trợ nước ngoài được triển khai đã hỗ trợ hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dạy và học; cải thiện điều kiện sống cho các đối tượng khó khăn trong xã hội bao gồm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo, bệnh nhân phong… Qua đó, đã góp phần giảm bớt những khó khăn về kinh tế - xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, giải quyết những nhu cầu cấp thiết của người dân vùng dự án.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2013-2023 đạt 2 tỷ 230,4 triệu USD, trong đó ước tính năm 2023 đạt 359,9 triệu USD, tăng 3,85 lần so với năm 2013, thị trường ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng, giá trị xuất khẩu được nâng lên.

Nhìn chung, trong 10 năm, tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý, GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2013 là 9.200 tỷ đồng, tăng lên 17.627 tỷ đồng năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,45% năm 2013 lên 31,82% năm 2022; thương mại - dịch vụ từ 38,59% năm 2013 lên 41,41% năm 2022; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 31,21% năm 2013 xuống còn 19,19% năm 2022.

Dương Nương

Chuyên mục khác