Tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư thúc đẩy ngành du lịch Kon Tum phát triển

06/04/2015 08:21

Trong xu thế phát triển du lịch Việt Nam, trong khu vực ASEAN hiện nay, Kon Tum được xác định là đầu mối cho các tuyến du lịch trong nước và quốc tế quan trọng như tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương, tuyến du lịch Carnaval đi qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam...

Khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch để phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu của tỉnh Kon Tum trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển du lịch ở Kon Tum thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế bởi những rào cản về hạ tầng cơ sở, về nội lực... Chính vì vậy, tăng cường liên kết, hợp tác là một trong những hướng đi đang được ngành Du lịch của tỉnh xúc tiến nhằm thúc đẩy ngành này phát triển.

Giàu tiềm năng và thế mạnh

Theo số liệu thống kê của Sở văn hoá – Thể thao & Du lịch, toàn tỉnh hiện có trên 100 địa điểm du lịch, trong đó có khoảng 20 điểm thu hút du khách thường xuyên. Tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông); sông Đăk Bla, Nhà thờ chính tòa (nhà thờ gỗ), Tòa giám mục, cầu treo Kon Klor (thành phố Kon Tum); Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ngã ba biên giới Đông Dương (huyện Ngọc Hồi)...

Đặc biệt, Kon Tum có nhiều làng đồng bào DTTS còn giữ được nét truyền thống, nguyên sơ và đây chính là những điểm được du khách, nhất là du khách nước ngoài quan tâm...

Hồ Đăk Ke - Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Ảnh: TH

Theo ông Lê Hoàng Ngọc Vũ – Phó trưởng Phòng nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL), cùng với những lợi thế về thiên nhiên, văn hoá, Kon Tum còn có điều kiện thuận lợi về giao thông nối liền với các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; sự tương đồng về văn hoá và mối liên kết với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Phần lớn các điểm du lịch của tỉnh lại nằm ở vùng kinh tế động lực của tỉnh, nên rất thuận lợi trong việc khai thác và phát triển du lịch, trong đó đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi đối với sự giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và giao lưu quốc tế…Những thế mạnh này là cơ hội để Kon Tum đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung và khai thác hiệu quả ngành du lịch nói riêng.

         

Liên kết để phát triển

Mặc dù giàu tiềm năng và thế mạnh, nhưng trên thực tế, hiệu quả khai thác du lịch của Kon Tum còn khá khiêm tốn. Theo con số ước tính của Sở VH-TT&DL, bình quân mỗi năm ngành Du lịch của tỉnh đón khoảng 200.000 lượt khách, trong đó có khoảng 90.000 lượt khách quốc tế, chủ yếu là Pháp, Đức, Canada và Lào. Doanh thu từ du lịch ước tính hàng năm khoảng 10 tỷ đồng.

Có nhiều rào cản khiến ngành Du lịch chưa vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, đáng nói nhất là chất lượng dịch vụ còn yếu kém, hạ tầng du lịch chưa được chú trọng đầu tư, số lượng các công ty lữ hành ít, đội ngũ nhân viên làm du lịch vừa hạn chế về số lượng, vừa thiếu tính chuyên nghiệp; đặc biệt là sự đầu tư thu hút du khách, phát triển du lịch còn mang tính đơn lẻ, thiếu sự liên kết, hợp tác trong nội vùng và các nước lân cận...

Cũng theo ông Lê Hoàng Ngọc Vũ, hiện nay, ở trong nước, ngành Du lịch Kon Tum mới liên kết hợp tác với các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đối với các nước trong khu vực, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 tỉnh là U Bon và Sisaket (Thái Lan); ký kết hợp tác với các tỉnh Chămpasắc, Sê Kông, Attapư (Lào). Trong xu thế phát triển du lịch Việt Nam, trong khu vực ASEAN hiện nay, Kon Tum được xác định là đầu mối cho các tuyến du lịch trong nước và quốc tế quan trọng như tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương, tuyến du lịch Carnaval đi qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam... Vì thế, để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh nhằm đưa ngành Du lịch phát triển mạnh hơn nữa, tỉnh xác định tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư, trong đó sẽ chú trọng việc liên kết để đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên làm du lịch; mở các tuor tuyến, điểm du lịch hấp dẫn; tăng hợp tác đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị; quảng bá hình ảnh, loại hình du lịch đặc sắc của mỗi địa phương. Ở trong nước, ngành Du lịch Kon Tum tiếp tục mở rộng hợp tác với thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Với các nước trong khu vực, Kon Tum sẽ thực hiện chuyến khảo sát du lịch qua các tỉnh Chămpasắc-Slavan-Sê Kông-Attapư (Lào)-UBon-Ratchathani-Sisaket (Thái Lan) nhằm tiến đến khai thác tuyến du lịch theo phương châm “ba quốc gia, một điểm đến”, đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch...

Có thể nói, việc tăng cường liên kết hợp tác, mở rộng đầu tư phát triển trong nội vùng và khu vực sẽ tạo động lực để ngành Du lịch Kon Tum vươn lên, phát triển. Hội nghị hợp tác phát triển giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh của ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Hội nghị xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch được tổ chức trong đợt này chính là cơ hội và điểm nhấn để ngành Du lịch Kon Tum thu hút đầu tư, tăng cường mối liên kết thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác