Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường vùng nông thôn

01/08/2024 13:33

Tình trạng buôn bán hàng hóa kém chất lượng, gian lận thương mại ở vùng nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vùng nông thôn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đặc trưng của thị trường hàng hóa vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh là kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, nhận thức một bộ phận tiểu thương về quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại còn hạn chế. Cùng với đó, điều kiện kinh tế, kiến thức tiêu dùng của nhiều người dân vùng nông thôn còn hạn chế, nên người dân ít quan tâm đến nhãn mác, hạn sử dụng, chất lượng của sản phẩm mà chỉ quan tâm đến giá cả hàng hóa.

Chính điều này, tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng nhái, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm len lỏi vào thị trường nông thôn.

Nhiều người tiêu dùng nông thôn thường chỉ chú ý đến mẫu mã, giá cả sản phẩm mà ít chú ý đến xuất xứ, tem nhãn hàng hóa. Ảnh: TH

 

Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ năm 2017, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản phân cấp cho UBND các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ trên địa bàn nhằm góp phần đảm bảo công tác quản lý thị trường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tích cực phối hợp với các cơ quan thuộc Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào những đợt cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu tại những địa bàn trọng điểm như khu vực biên giới, trên các quyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, cơ sở sản xuất, phân phối hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 193 vụ vi phạm với 205 đối tượng vi phạm trên toàn tỉnh. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ, xử lý vi phạm hành chính 119 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 7,6 tỷ đồng; tịch thu nhiều loại hàng hóa vi phạm, trong đó, hàng hóa chưa thanh lý ước tính trị giá 570 triệu đồng, hàng hóa buộc tiêu hủy ước tính trên 852 triệu đồng.

Song song với công tác kiểm tra, các lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành phổ biến, hướng dẫn, giải thích về các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý ở cấp cơ sở. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh, tiểu thương cách nhận biết, phân biệt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, quy định của pháp luật về quy chế ghi nhãn hàng hóa, cách trưng bày, bảo quản hàng hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn những bất cập, chưa thật sự chặt chẽ và thường xuyên. Do đó, tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không có hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn; tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lương chức năng phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm. Ảnh: T.H

 

Ông Lê Như Nhất khẳng định: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để chủ động phối hợp với ngành Tài chính tham mưu UBND tỉnh có biện pháp, giải pháp quản lý phù hợp, linh hoạt, hiệu quả nhằm kiểm soát về giá cả, bình ổn thị trường; đưa ra dự báo chính xác và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, điều tiết hoạt động sản xuất, cung ứng phân phối hàng hóa phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ, gián đoạn nguồn cung, tăng giá đột biến, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Phối hợp với các lực lượng thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động khả nghi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không an toàn thực phẩm; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không vi phạm trong hoạt động kinh doanh, niêm yết, công khai giá các mặt hàng hóa theo quy định. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại để người buôn bán và nhân dân nâng cao cảnh giác, nhận thức đầy đủ về tác hại và hậu quả của việc sử dụng hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Song song với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng của tỉnh, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nâng cao kiến thức tiêu dùng cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cũng cần chủ động tìm hiểu, tự nâng cao quyền và trách nhiệm trong vai trò là chủ thể tham gia thị trường.

Thiên Hương

Chuyên mục khác