Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm

12/06/2019 06:16

Để góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lây lan và bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm gia súc, gia cầm cho người tiêu dùng, trong những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành trong công tác quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chủ trương trên vẫn chưa được một số địa phương và ngành chức năng thực thi nghiêm, đã đến lúc đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc kiểm soát hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm.

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước; tỉnh ta cũng đã phát hiện dịch bệnh này ở xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai). Mới đây, tại huyện Đăk Tô cũng đã phát hiện, tiêu hủy 30 con lợn bị mắc bệnh tai xanh. Bên cạnh đó, nhiều loại dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương trong tỉnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tuy được khống chế, nhưng nguy cơ tái phát trở lại là rất lớn, việc kiểm soát hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm cần phải được coi trọng.

Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, ngành Nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm, nhất là việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để góp phần ngăn chặn dịch bệnh và bảo đảm sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn thực phẩm khi lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện nghiêm.

Hiện nay, toàn tỉnh mới có 5 huyện có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó, các cơ sở ở huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi đã đưa vào hoạt động ổn định; cơ sở tại huyện Đăk Glei đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Các địa phương còn lại vẫn chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh có 77 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hoạt động, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định.

Việc một số địa phương và cơ quan chức năng còn buông lỏng hoạt động quản lý giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo chất lượng ra thị trường có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cao và ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm. Qua đó, kịp thời biểu dương những địa phương triển khai làm tốt công tác quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc gia cầm, đồng thời nghiêm khắc chấn chỉnh, phê bình những địa phương buông lỏng quản lý.

Các hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho đàn lợn. Ảnh: Thùy Hương

 

Tại Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 10/5/2019 “về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, UBND tỉnh biểu dương các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà đầu tư xây dựng và đưa cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vào hoạt động hiệu quả và phê bình, chấn chỉnh đối với các địa phương chưa đầu tư hoặc đầu tư chưa hiệu quả đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Để tăng cường kiểm soát công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các điều kiện thú y, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố (chưa đầu tư) khẩn trương đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động đối với cơ sở giết mổ, sơ chế và kinh doanh các sản phẩm gia súc, gia cầm.

Riêng với huyện Tu Mơ Rông và Ia H’Drai có ít cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trước mắt tỉnh chưa yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhưng phải tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và hướng dẫn các cơ sở này thực hiện theo đúng quy định, đồng thời có định hướng, giải pháp xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong thời gian đến.

Đối với các huyện đã xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, UBND tỉnh yêu cầu định kỳ 6 tháng, hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá các hạng mục tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động, nhằm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình xuống cấp để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy định về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế và kinh doanh các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, quản lý tốt hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường, chúng ta sẽ góp phần ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

Trong công tác quản lý nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thành phố các quy định của pháp luật về thực hiện các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện vệ sinh thú y... đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, sơ chế sản phẩm gia súc, gia cầm, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... VN

Văn Nhiên

 

 

 

Chuyên mục khác