Tăng cường gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

11/10/2021 13:08

Thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản và bước đầu đã gặt hái được kết quả tích cực. Song để “gỡ nút thắt” đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi một số nông sản chủ lực của tỉnh sắp bước vào vụ thu hoạch chính vẫn cần những giải pháp quyết liệt hơn.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi khiến cho nhiều chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gẫy. Việc tiêu thụ nông sản của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vì thế gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm sâu.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất trong đợt dịch thứ 4 này, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vấp phải những trở ngại như việc ký kết các hợp đồng mua bán nông sản, thủ tục xuất khẩu sang các nước gặp khó khăn, thời gian thông quan kéo dài làm gia tăng chi phí; sức tiêu thụ chậm, không tìm được đầu ra khiến sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng nhiều, giá cả nhiều mặt hàng giảm sâu. Trong khi đó, nhân công lao động thiếu hụt, giá vật tư sản xuất liên tục tăng (mức tăng từ 10-40%) từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao…

Cá thương phẩm cũng là một trong những mặt hàng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: TH

 

Trước tình hình đó, để góp phần tháo gỡ khó khăn, ngày 26/7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 650/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện dịch Covid-19. Hơn 2 tháng qua, Tổ công tác đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, vận chuyển, cung ứng, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19. Tổ công tác cũng kết nối thường xuyên với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm ở các tỉnh phía Nam cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả, Tổ công tác đã kết nối cho Công ty TNHH MTV Gia Bạch thực hiện 2 chuyến bán hàng lương thực, thực phẩm dưới dạng combo vào tiêu thụ tại tỉnh Bình Dương với tổng sản lượng khoảng 25 tấn, bao gồm 20 tấn rau, củ, quả, trái cây; 2 tấn thịt và  3 tấn cá; góp phần giúp người dân tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, thông qua kênh thông tin của Tổ công tác có 23 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký thành công tiêu thụ sản phẩm trên trang tin kết nối cung cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị bán lẻ như Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cũng chủ động thu mua và bán với mức giá bình ổn đối với một số loại nông sản thời vụ bị ùn ứ như dưa hấu, bí đỏ…

Sắp tới, Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm có khoảng 10.000 tấn chuối tươi cần được kết nối tiêu thụ. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện tại, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lớn vẫn còn tồn sản lượng hàng hóa lớn như Công ty TNHH Cà phê Nguyên Huy Hùng còn tồn khoảng 15 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Hợp tác xã nông nghiệp thương mại và dịch vụ Sáu Nhung tồn khoảng 2 tấn sản phẩm cà phê hòa tan, 1 tấn tinh chất cà phê; Công ty TNHH Tá Tiến còn khoảng 500 tấn cá nước ngọt nuôi lồng bè chưa có đầu mối tiêu thụ. Một số hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể cũng tồn đọng khoảng 10-15 tấn măng khô, măng muối…

Các tháng cuối năm, tỉnh ta sẽ bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, lúa, bắp...Ước tính sản lượng cà phê năm 2021 khoảng 66.800 tấn, lúa khoảng 59.700 tấn, bắp khoảng 22.800 tấn, cao su khoảng 97.600 tấn. Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất cũng có sản lượng thu hoạch tương đối lớn như: Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Nghĩa Phát dự kiến thu hoạch 1.000-1.500 tấn mít Thái; Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm khoảng 10.000 tấn chuối tươi (chủ yếu là giống chuối tiêu hồng)…cần được kết nối để tiêu thụ.

Vì vậy, các hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như thời gian qua cần tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh hơn nữa để gỡ “nút thắt” về đầu ra cho nông sản. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.          

Thiên Hương

Chuyên mục khác