04/04/2023 06:09
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm- Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT, Ban chỉ đạo đã tăng cường công tác phối hợp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm, Dân quân tự vệ, Công an và các lực lượng khác. Nhờ vậy, đã nâng cao tính chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường năng lực lãnh đạo, điều hành xử lý các tình huống vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra tại địa phương.
Theo thống kê, trong quý I/2023, các đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức được 240 đợt tuần tra, truy quét, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Qua tuần tra, truy quét đã phát hiện 10 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; tổng khối lượng gỗ vi phạm 43,074 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại, diện tích thiệt hại 2,183 ha. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 18 vụ (tương ứng 64 %); diện tích thiệt hại giảm 28,35 ha (tương ứng 93%); khối lượng gỗ vi phạm giảm 45,52 m3 gỗ các loại (tương ứng 51,4 %).
|
Dù trong quý I giảm nhưng trong tháng 3, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp lại gia tăng, số vụ, khối lượng, diện tích thiệt hại đều tăng hơn so với các tháng trước. Theo thống kê, trong tháng 3, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; tổng khối lượng gỗ vi phạm 40,406 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại, diện tích thiệt hại 2,117 ha. So với tháng 2, tăng 2 vụ; diện tích thiệt hại tăng 2,117 ha; khối lượng gỗ vi phạm tăng 39,248 m3 gỗ các loại.
Trong 3 tháng đầu năm nay, Đăk Hà là địa phương liên tục xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cụ thể, vào đầu tháng 3/2023, qua trinh sát, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã phát hiện một vụ tàng trữ cất giấu khối lượng gỗ lớn (không có nguồn gốc) trong bãi chứa cát, sỏi của điểm mỏ khai thác cát, sỏi trên sông Đăk Pxi (địa bàn thôn 7, xã Đăk Pxi) của Công ty TNHH 87. Số lượng gỗ vi phạm trong vụ việc trên khoảng khoảng 37 m³ bao gồm gỗ lóng, gỗ tấm, gỗ hộp và cá biệt có lóng gỗ dài khoảng 20m và có đường kính khoảng 1m.
Cũng từ vụ việc nói trên, qua khám nghiệm hiện trường, mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 22 gốc cây bị cưa hạ tại Tiểu khu 327, thôn Đăk Rơ Wang (xã Đăk Pxi). Các cây gỗ bị cưa hạ có đường kính từ 32-60cm, với nhiều chủng loại khác nhau như chò, xót ở diện tích rừng sản xuất đã được giao cho người dân quản lý.
|
Tiếp đó, sáng 20/3, lực lượng của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp cùng Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà bắt quả tang 2 đối tượng là Phạm Văn Uyên (trú tại thôn 1, xã Đăk Mar) và Trương Sỹ Ninh (trú tại thôn Wang Hra, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) đang thực hiện hành vi khai thác gỗ trái pháp luật tại vị trí lô 9, khoảnh 1, Tiểu khu 347 thuộc thôn Kon Pông (xã Đăk Ui). Vị trí khai thác là rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư thôn Wang Hra, xã Đăk Ui quản lý, bảo vệ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 1 gốc cây bị cưa hạ (chủng loại gỗ phay thuộc nhóm VI), có 7 đoạn cành bị cắt khúc với khối lượng là 1,406 m3 và 4 bìa có khối lượng 2,846 m3. Công an huyện Đăk Hà đã thu giữ được toàn bộ số gỗ nêu trên với tổng khổi lượng là 5,2426 m3.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, chú trọng kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm, trong đó, chú trọng chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của chính quyền đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.
Hiện nay đang là thời kỳ mùa giáp hạt, vậy nên tình hình quản lý bảo vệ rừng sẽ gặp nhiều khó khăn, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp sẽ có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật. Vì vậy, tiếp tục tăng cường các biện pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng là yêu cầu cấp thiết.
Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng; rà soát, xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp, bố trí tăng cường hệ thống chốt, trạm và lực lượng bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm, không để phát triển thành điểm nóng; thanh tra, kiểm tra, triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật...
Đối với các vụ vi phạm đã xác định được đối tượng phải khẩn trương kết thúc điều tra, sớm đưa ra xét xử để tăng tính răn đe, giáo dục. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng; kịp thời xem xét kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân khi để xảy ra các vụ phá rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý.
Hà Nam