14/11/2024 06:00
Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum có địa giới hành chính giáp ranh với nhau. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum có vùng giáp ranh dài khoảng 150km, nằm trên địa phận 9 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Quảng Ngãi và 5 xã thuộc huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum. Còn tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum có vùng giáp ranh dài khoảng 160km, nằm trên địa phận 11 xã thuộc các huyện Nam Trà My, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam và 10 xã thuộc các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông của tỉnh Kon Tum.
Vùng giáp ranh giữa các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum tập trung nhiều diện tích rừng tự nhiên, có trữ lượng gỗ lớn, tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật và thực vật đặc hữu, quý, hiếm. Rừng tự nhiên ở nơi đây còn là rừng phòng hộ đầu nguồn của các con sông lớn, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Đa số dân cư sinh sống ở vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào DTTS, đời sống phụ thuộc vào làm rẫy và gắn bó mật thiết với rừng.
|
Nhằm bảo vệ tốt tài nguyên rừng ở vùng giáp ranh, UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các tỉnh ký kết quy chế phối hợp trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thời gian tổ chức thực hiện quy chế từ năm 2022-2024.
Thực hiện theo quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh đã ký kết, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng kiểm lâm vùng giáp ranh triển khai chế độ thông tin thường xuyên và kịp thời về tình hình quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp xác minh các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp khi có yêu cầu; tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp đến người dân và triển khai công tác kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2024, lực lượng kiểm lâm của các tỉnh đã ban hành tổng cộng 28 văn bản (kế hoạch, công văn), thường xuyên tiến hành trao đổi qua điện thoại, tổ chức gặp mặt trực tiếp và phối hợp tổ chức các hội nghị giao ban về công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh.
Lực lượng kiểm lâm vùng giáp ranh của 3 tỉnh đã tham mưu chính quyền địa phương tổ chức 569 đợt tuyên truyền trực tiếp với 23.085 lượt người tham gia, tuyên truyền lưu động 51 đợt, sân khấu hóa 18 đợt với hơn 1.500 lượt người tham gia, phát 663 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với 3.974 hộ dân. Đồng thời, phối hợp, tổ chức 769 đợt tuần tra, truy quét rừng tại vùng giáp ranh, phát hiện 37 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (hiện nay đã xử lý 33 vụ, trong đó, xử lý hành chính 30 vụ, xử lý hình sự 3 vụ; 4 vụ đang điều tra, xác minh), tịch thu 2 ô tô, 5 cưa xăng và hơn 77m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 793,8 triệu đồng.
|
Đối với tỉnh Kon Tum, hạt kiểm lâm các huyện vùng giáp ranh, gồm Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei, đã phối hợp với UBND các xã, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm các huyện vùng giáp ranh của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam xây dựng mạng lưới thông tin chung, tổ chức gặp gỡ, trao đổi, làm việc về công tác quản lý, bảo vệ rừng tổng cộng 134 lần.
Lực lượng kiểm lâm vùng giáp ranh của tỉnh Kon Tum còn phối hợp, tổ chức 147 đợt tuyên truyền với gần 8.200 lượt người tham gia; tham mưu chính quyền địa phương tổ chức ký 129 bản cam kết không phá rừng làm rẫy với các hộ dân; phối hợp, tổ chức 163 đợt tuần tra, truy quét với gần 1.700 lượt người tham gia, phát hiện và đã xử lý 11 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 47,7 triệu đồng.
Ngày 7/11 vừa qua, tại thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã tiếp tục ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Quy chế có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế cho quy chế mà các đơn vị đã ký trong giai đoạn 2022-2024.
Nội dung của quy chế bao gồm phối hợp xây dựng chương trình công tác, trao đổi thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và xử lý vi phạm.
Việc ký kết quy chế nhằm đảm bảo sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, thống nhất toàn diện, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm các tỉnh, tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp; đồng thời, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân, để qua đó, chung tay quản lý, bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có ở vùng giáp ranh của các tỉnh.
Đức Thành