17/03/2024 13:06
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu là ghi nhãn hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn đã công bố, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không có nhãn mác hoặc có nhãn mác, logo giống với sản phẩm khác cùng loại gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, kiến thức về tiêu dùng của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chưa thực sự hiểu hết quyền lợi của mình khi tham gia mua sắm hàng hóa. Nhiều người chưa có thói quen kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ham hàng rẻ, nên bị một số gian thương lợi dụng vấn đề này để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả. Hơn nữa, hiện nay, việc mua sắm trực tuyến phát triển mạnh đã tạo “kẽ hở” cho một số đối tượng bán hàng không đúng giá trị thực tế, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
|
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi sản xuất hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường mạng; thanh tra, kiểm tra về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng.
Chỉ tính riêng năm 2023, các lực lượng chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 1.304 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Qua đó, khởi tố 4 vụ việc với 5 đối tượng vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 605 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11,7 tỷ đồng.
Đồng thời, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt vào những đợt cao điểm như hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (ngày 15/3), các đợt lễ, tết.
Bên cạnh đó, Sở Công thương triển khai xây dựng được 5 điểm bán hàng Việt, tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng; đồng thời, qua hoạt động trao đổi, mua sắm giúp người dân có thêm hiểu biết về việc mua sắm, sử dụng hàng hóa chính hãng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các hoạt động vì quyền người tiêu dùng tiếp tục được các ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, gắn với chủ đề năm 2024 là “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của người tiêu dùng.
|
Để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3/2024). Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu diễn ra từ tháng 11/2023 đến hết tháng 5/2024, được đẩy mạnh trong tháng 3/2024.
Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng, các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng vẫn còn diễn ra phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần phải đặt vấn đề an toàn về sức khỏe, an toàn về thông tin khi tiếp cận, mua sắm hàng hóa, kiên quyết “nói không” với những sản phẩm không được minh bạch thông tin và những tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng xem nhẹ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thiên Hương