Tản mạn chuyện giá cả sau Tết

23/02/2024 06:18

Với tôi, những ngày đầu năm mới trôi qua trong bộn bề công việc. Nhưng dù vậy, tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đi dạo quanh phố phường và nghe ngóng chuyện thiên hạ đón Tết và đi làm sau Tết.

Mọi người đã có một mùa Tết yên vui!

Và tôi cũng có một cái Tết nhẹ nhàng, đầy yêu thương bên gia đình. Những ngày Tết, tôi cho phép bản thân nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình, họ hàng nhiều hơn; kết nối với bạn bè nhiều hơn.

Vì tôi nghĩ rằng, kinh tế sẽ phục hồi, hãy tạm xếp khó khăn lại, và bản thân hãy sẵn sàng đón năm mới với năng lượng tích cực.

Đặc biệt, khác với dự báo trước đó, trong những ngày Tết, không có biến động về thị trường, giá cả hàng hóa. Tình trạng bán hàng nói thách, bán hàng “chặt chém”, hét giá với lý do “Tết mà” trong những ngày giáp Tết đã “vắng bóng”.

Thị trường hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán được mở rộng, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: S.C

 

Tết năm nay, chương trình bình ổn giá tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự trữ hàng hóa lên tới 56,21 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã tổ chức các điểm bán hàng cố định và bán hàng bằng xe lưu động từ ngày 22/1 đến ngày 9/2/2024, tức từ ngày 12-30 tháng Chạp năm Quý Mão.

Thị trường hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán cũng mở rộng với hệ thống đại lý, cửa hàng, điểm bán lẻ đều khắp ở các địa phương, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, chất lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.

Những ngày Tết qua đi nhanh chóng. Với tôi, những ngày đầu năm mới trôi qua trong bộn bề công việc. Nhưng dù vậy, tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đi dạo quanh phố phường và nghe ngóng chuyện thiên hạ đón Tết và đi làm sau Tết.

Điều tôi quan tâm, như nhiều chị em khác, là giá cả hàng hóa tăng hay giảm. Và tôi phát hiện một điểm khác biệt so với những năm qua.

Đó là những năm trước đây, cứ vào dịp Tết là các cửa hàng, quán cà phê, ăn sáng lại tăng giá, với lý do phụ thu ngày Tết, hoặc do thực phẩm, nguyên liệu đầu vào tăng nên phải tăng theo.

Tôi còn nhớ, năm ngoái, sau Tết đi ăn sáng ở quán mì quảng quen. Ăn xong, vì thấy bà chủ bận tíu tít, theo thói quen tôi đặt 25.000 đồng lên quầy, thì bị gọi lại “30.000 đồng em ơi”. Ủa tăng giá à chị- tôi hỏi lại. Câu trả lời là: Ừ em, tăng rồi. Tết mà.

Đến khi hết Tết, giá cả thực phẩm, nguyên liệu đầu vào giảm, thì các cửa hàng, quán xá vẫn neo giá, không chịu giảm theo, gây bất bình cho người tiêu dùng.

Nhưng bất bình thì bất bình, có thể làm gì được? Người ta vẫn phải đi ăn sáng, vẫn phải uống cà phê, vẫn phải đi cắt tóc. Vậy là đành chấp nhận.

Sau Tết, nhìn chung các quán ăn không tăng giá bán. Ảnh: SC

 

Tăng hoài thành quen. Thế cho nên vào buổi sáng đi làm sau Tết, tôi tạm biệt bánh chưng, mì gói, cơm nguội, thong dong tiến vào quán phở khô quen thuộc trên đường Bà Triệu. Miệng kêu một tô phở mà trong đầu dự đoán xem mức tăng là bao nhiêu.

Ăn xong, đứng dậy: Chị ơi, em gửi tiền. Chị chủ xởi lởi “như cũ em”. Bất ngờ quá. “Ơ, không tăng giá như mấy năm trước à chị”- tôi hỏi.

Mấy năm thì có tăng, nhưng năm nay thì không. Kinh tế khó khăn, người dân chật vật, mình cũng chia sẻ, không thể cứ muốn tăng giá là tăng- chị chủ quán nói.

Rồi cứ thế, chủ quán và khách ngậm ngùi nhắc chuyện những năm cũ, cứ tới Tết là tăng giá, sau Tết neo giá lại.

Và không chỉ từ câu chuyện của chính mình mà còn qua quan sát, qua  thông tin báo chí và trò chuyện với những người xung quanh, tôi tạm cho rằng, sau Tết, nguồn cung các mặt hàng được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Tại chợ dân sinh, hệ thống siêu thị, cửa hàng, giá cả các mặt hàng thực phẩm, rau quả tươi ổn định, không xảy ra sốt giá, tăng giá. Những quán ăn, quán cà phê mà tôi biết vẫn giữ giá bán như ngày trước Tết.

Tôi quyết định ghé vào một quán cà phê, việc mà đã rất lâu rồi tôi không có thời gian để làm, mua 1 ly nước, mục đích chính cũng là để xem giá cả thế nào.

Và thật ngạc nhiên, chị chủ quán chỉ vào menu nói: Giá bán này được niêm yết lâu rồi, tức là từ trước Tết đấy. Kinh tế khó khăn, quán vẫn có khách đến là vui rồi. Quán có khách, tức là chủ quán cùng nhân viên có việc làm và thu nhập.

Đó là những cảm nhận thực tế, còn đây là thông tin “chính thống”. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, sau Tết, so với thời điểm trước và trong Tết, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có giảm nhẹ, hoặc giữ mức giá như thời điểm trước Tết. Không có hiện tượng tăng giá.

Nguyên nhân, được nhìn nhận là hàng hóa trên địa bàn tỉnh phong phú, dồi dào, nhiều chủng loại, lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Người dân cũng có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng” để đối phó với khó khăn phía trước.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp và cơ quan quản lý nhà nước cũng đã triển khai quyết liệt và hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường; đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trước, trong, sau Tết và bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá.

Và cuối cùng thì việc không tăng giá hàng hóa sau Tết cũng là một “điểm cộng” đáng ghi nhận trong ngày xuân vui đến từ những người kinh doanh dịch vụ.

Nói như chị chủ quán phở: Khó khăn như vầy, ai lại trông chờ mấy ngày này để nâng giá!        

Sông Côn

Chuyên mục khác