Tân Lập: Chuyển biến xây dựng nông thôn mới

27/02/2018 07:02

Bằng việc huy động các nguồn lực và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, nông thôn xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) có nhiều đổi thay và đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đẩy mạnh bê tông hóa giao thông

Có lẽ chưa bao giờ xã Tân Lập huy động được nhiều nguồn lực và sức  dân đóng góp xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ như thời gian gần đây. Đến đâu, chúng tôi cũng thấy đường bê tông mới mở ra ngang, dọc các làng.

Có đường bê tông, nông thôn khang trang hẳn lên. Trao đổi với tôi, ông Phạm Văn Học - Thôn trưởng thôn 3 phấn chấn: Chỉ mới đây thôi, nhiều tuyến giao thông trong thôn mùa mưa sạt lở, lầy lội; mùa nắng bụi bay mù trời. Bây giờ, trong thôn có 12/14 tuyến đường (khoảng hơn 7km) được bê tông.

“Nông thôn có được chuyển biến này là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và người dân bỏ công sức xây dựng. Việc bê tông đường giao thông là xây dựng cuộc sống cho mình, người dân trong thôn ai cũng tích cực hưởng ứng và tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc khi đường đi qua. Trong thôn, có 37 hộ tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu để làm đường bê tông giao thông nông thôn. Thôn 3, bây giờ đạt tiêu chí về giao thông nông thôn” - ông Học khẳng định.

Theo ông Đặng Tuấn Tịnh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập, năm nay, xã huy động được trên 4,78 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 357 triệu) từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn Chương trình 135 để bê tông nhiều tuyến được giao thông nông thôn ở các thôn, kể các các tuyến đường đi khu sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn làm chủ đầu tư xây dựng hơn 5km đường bê tông với số vốn 40,7 tỷ đồng tại thôn 3.

Đường bê tông mở đến đâu, nông thôn ở đó khang trang, sạch đẹp hơn. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận lợi; kinh tế phát triển hơn trước.

Dân thi đua phát triển kinh tế

Ở thôn 3, tôi gặp ông Trần Văn Tuyến đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng loạt ao nuôi cá sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xung quanh các ao nuôi cá, ông bê tông kiên cố. Nguồn nước nuôi cá được dẫn từ công trình thủy lợi lấy từ sông Đăk Snghé sạch, bảo đảm cá sinh trưởng tốt.

Các loài cá được ông nuôi nhiều là rô phi, rô đồng, trê lai… Diện tích ao nuôi được đưa vào khai thác 6.000m2, hai năm trở lại đây, bình quân mỗi năm ông Tuyến lãi hơn 200 triệu đồng. Năm 2017, giá cá hạ, nhiều hộ nuôi cá thua lỗ hoặc huề vốn, nhưng ông vẫn lãi là do gia đình ông tự chế biến thức ăn, hạ giá thành chăn nuôi.

Tại thời điểm chúng tôi đến, ông Tuyến mở rộng cơ sở lên 1,2ha ao nuôi và dự kiến tiếp tục mở rộng lên 2ha ao nuôi theo kế hoạch vốn đầu tư 5 tỷ đồng. Ông còn dự tính sau này sẽ đầu tư xây dựng dàn máy sấy cá khô từ cá nuôi. Ngoài nuôi cá, ông còn nuôi gà, vịt lấy trứng với quy mô tương đối lớn. Ở lĩnh vực nào, ông Tuyến cũng thành công.

Ở xã Tân Lập, hai năm trở lại đây, người dân còn phát triển mạnh mô hình nuôi tằm dâu. Ông Đặng Văn Tuất (thôn 9, xã Đăk Ruồng) - người trực tiếp học tập kỹ thuật, kinh nghiệm từ việc nuôi dâu ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) về chuyển giao kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho biết: Ở thôn 2, 6 xã Tân Lập có 35 hộ trồng 14ha dâu nuôi tằm, trong đó có 7 hộ thu kén.

Nhiều hộ dân ở Tân Lập phát triển nghề nuôi tằm

 

“1ha dâu khi đi vào khai thác ổn định cho 40 tấn lá dâu/năm. Cứ 11 tấn lá dâu, nuôi tằm cho 1 tấn kén. Với giá kén 170 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng dâu thu trên 600 triệu đồng/ha dâu từ tiền bán kén. Trừ chi phí đầu tư trồng, chăm sóc dâu, người trồng dâu nuôi tằm còn lãi trên 500 triệu đồng/ha dâu/năm. Trồng dâu thu nhập cao, người dân rất phấn khởi”- ông Tuất chia sẻ.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thi đua phát triển kinh tế, người dân xã Tân Lập đang từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập và nhiều chỉ tiêu nông thôn mới.

Bài, ảnh: Văn Nhiên

Chuyên mục khác