03/09/2022 13:05
|
“Vốn liếng” hiện có
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và đầu tư phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện chỉnh trang, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đẩy mạnh khai thác quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về kinh tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Mạng lưới đô thị dần hình thành diện mạo mới, với nhiều công trình, các khu đô thị mới, khu dân cư, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dân cư giữa đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo và xây dựng mới các đô thị. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.
Trong đó, thành phố Kon Tum ngày càng được đầu tư khang trang và mở rộng; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; đô thị huyện Ngọc Hồi được tích cực đầu tư, nâng cấp để đáp ứng điều kiện trở thành thị xã. Các trung tâm huyện lỵ, trung tâm các xã, cụm xã được đầu tư mở rộng, nâng cấp.
Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, các đô thị trung tâm đã phát huy vai trò “cực tăng trưởng”, thu hút và thúc đẩy kinh tế vùng lân cận và nông thôn phát triển theo.
Có thể khẳng định, sau nhiều năm nỗ lực, đến cuối năm 2021, hệ thống đô thị tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, là “vốn liếng” để các nhà quản lý hoạch định những bước đi dài hơi hơn, mạnh mẽ hơn cho đô thị.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, yếu kém. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đạt thấp, một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc triển khai lập, thực hiện giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ, thống nhất. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn thiện.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị chưa đảm bảo; việc lồng ghép các tiêu chí bền vững vào phát triển đô thị chưa hiệu quả.
Tầm nhìn mới
Ngày 23/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thông qua Nghị quyết số 16-NQ/TU về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết riêng về phát triển đô thị cho thấy sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong quá trình hội nhập.
Đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc xây dựng các đô thị ở tỉnh ta tiến dần tới các tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại.
Mục tiêu Nghị quyết 16-NQ/TU đề ra là đến năm 2025 là tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 0,77-1,0%.
Toàn tỉnh có 11 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 3 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 7 đô thị loại V. 100% đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt trên 1,0%. Toàn tỉnh có từ 11 đến 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 4 đô thị loại IV (tăng thêm thị trấn Sa Thầy), 6-8 đô thị loại V; dự kiến thành lập mới từ 1 - 2 đô thị loại V.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.
Thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn tỉnh hiện nay đặt ra khá nhiều vấn đề phải giải quyết trong quy hoạch, thực hiện quy hoạch và trong quản lý, quản trị đô thị.
Theo đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Khắc phục tình trạng trì trệ, thiếu động lực và không gian phát triển tại các đô thị hiện hữu.
|
Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian. Trong đó, hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, công trình công cộng cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành đô thị; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết 16-NQ/TU là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Và quan trọng nhất, là ý thức trách nhiệm và tinh thần chung tay của mỗi người, vì những đô thị vừa hiện đại, đáng sống, vừa giàu bản sắc.
Hồng Lam