14/12/2023 06:05
Những năm qua, việc triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được thực hiện sâu rộng và đạt được những kết quả tích cực; các sản phẩm chủ lực được chú trọng; một số vùng chuyên canh cây hàng hóa tập trung bước đầu được hình thành; năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên.
Để có được kết quả nêu trên, cùng với việc đổi mới về tư duy, tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu là đột phá ngay từ khâu chọn giống cây trồng, vật nuôi đưa vào sản xuất, chăn nuôi.
|
Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Để làm được điều này, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân lựa chọn, đưa vào sử dụng những giống cây, con có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu được dịch, bệnh vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết hợp tác trong cung ứng giống có chất lượng, sạch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản xuất.
Cà phê được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh, vì vậy, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Do đó, nhằm trẻ hóa vườn cây, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương có diện tích trồng cà phê lớn như huyện Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tái canh cà phê; đưa các loại giống cà phê mới TRS1, TR4, TR9 vào trồng thay thế cho các giống cũ; cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép với 3 dòng cà phê mới TR5, TR9, TR10. Đây là các loại giống do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT (Bộ NN&PTNT) cung ứng, có khả năng kháng được nhiều bệnh, chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết nên cho năng suất cao, chất lượng ổn định hơn.
Cùng với cây cà phê vối, việc lựa chọn và đưa vào trồng mới các loại giống cà phê xứ lạnh được ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương chú trọng. Theo đó, sau khi tiến hành đánh giá điều kiện đất đai, khí hậu và triển khai trồng thử nghiệm 5 giống cà phê chè trên địa bàn vùng Đông Trường Sơn, ngành Nông nghiệp xác định 2 giống cà phê chè TN2 và F5TN1 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Các giống cà phê này cho năng suất tăng từ 1,5-2 tấn cà phê nhân/ha so với cà phê Catimor.
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn người dân 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông chuyển đổi diện tích trồng giống cà phê cũ đã già cỗi sang trồng các giống cà phê xứ lạnh phù hợp, đồng thời mở rộng diện tích trồng mới. Đến nay, tổng diện tích cây cà phê xứ lạnh đạt gần 3.600ha.
Cây mì cũng được xác định một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Để nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến, mấy năm trở lại đây, từ nguồn hỗ trợ của chương trình khuyến nông, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu, chọn lọc, hỗ trợ người dân từng bước đưa vào trồng các giống mì mới như KM 140, KM 419, KM98-7, SM2075-18. Các giống mì này cho năng suất cao hơn các giống mì địa phương khoảng 30%; đồng thời, có khả năng chống chịu được nhiều loại bệnh.
Đối với các loại cây dược liệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ứng dụng công nghệ mô hom để sản xuất một số giống cây trồng, cây dược liệu phục vụ trong sản xuất tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Thử nghiệm và chọn lọc được một số giống cây phù hợp với điều kiện của địa phương để đưa vào sản xuất như chuối, các loại lan rừng, các loại giống dược liệu như sâm dây, lan kim tuyến, đương quy, ba kích.
Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành chọn tạo được một số giống lúa chất lượng cao (RVT, HT9, giống mía K95-156, Suphanburi, K88-92, LK92-11…) đưa vào sản xuất đại trà, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
|
Trong chăn nuôi, ngành Nông nghiệp thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống từ các cơ sở uy tín, an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan; nghiên cứu, lựa chọn, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Tiêu biểu như trong chăn nuôi bò- được xem là một trong những thế mạnh của tỉnh ta, nhưng trong thực tế đàn bò mà người dân trên địa bàn chăn nuôi phần lớn là giống bò cỏ, tầm vóc nhỏ, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại cho hộ chăn nuôi chưa cao. Vì vậy, để từng bước cải thiện đàn bò giống, tăng quy mô đàn bò lai, trong 7 năm qua, ngành Nông nghiệp tăng cường triển khai, áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến nay, đã có trên 5.000 bê lai được sinh ra, từng bước giúp cải thiện tầm vóc đàn bò địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất cũng đặt ra nhiều thách thức. Để có được năng suất, chất lượng tối ưu, đòi hỏi người sản xuất phải có trình độ sản xuất, chăn nuôi nhất định, tuân thủ quy trình kỹ thuật khắt khe. Nhưng trên thực tế, nhận thức, trình độ sản xuất, chăn nuôi của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn gốc, chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi còn nhiều khó khăn.
Việc tăng cường triển khai, ứng dụng giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thay đổi tư duy, tập quán trồng trọt, chăn nuôi của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thiên Hương