Tái canh cây cà phê ở Đăk Hà: Nông dân vẫn khó tiếp cận vốn cho vay

12/04/2017 05:42

​Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện hơn 1 năm nay và huyện Đăk Hà là địa phương được chọn làm điểm triển khai việc thực hiện tái canh cây cà phê bền vững. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, chương trình cho vay tái canh cây cà phê là nội dung hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa một đồng vốn nào của nội dung này được giải ngân do gặp nhiều vướng mắc…

Cho vay tái canh cà phê là giải pháp giúp người trồng cà phê giải quyết khó khăn về vốn đầu tư để thực hiện tái canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho người trồng, góp phần phát triển ngành cà phê bền vững, song ở Đăk Hà, việc triển khai chính sách này vẫn đang là vấn đề nan giải.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan liên quan của huyện, tỉnh đã phối hợp để triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải ngân được, người dân vẫn hờ hững với nguồn vốn vay ưu đãi này.

Hiện tại, lãi suất cho vay tái canh được ngân hàng đưa ra ở mức 6,5 – 7,2%/năm, thấp hơn lãi suất hiện vay thương mại từ 2-2,5%, nhưng chương trình cho vay tái canh cà phê lại chưa thật sự hấp dẫn nông dân do hạn mức vay thấp (tối đa là 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh cà phê và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê), lại giải ngân vốn theo tiến độ triển khai nên không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư cho vườn cây.

Nông dân vẫn khó tiếp cận với vốn cho vay tái canh cây cà phê. Ảnh: T.H

 

Trên thực tế, khách hàng có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều yêu cầu được giải ngân hết một lần số tiền vay chứ không muốn giải ngân theo tiến độ thực hiện kế hoạch tái canh.

Một số hộ dân không có khả năng tài chính hoặc tài sản không đáp ứng được đủ các điều kiện của ngân hàng nên khó để vay được vốn.

Một cái vướng nữa là hầu hết hộ dân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều đang có dư nợ tại ngân hàng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để tiếp cận với gói vay này.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, phần lớn nông dân đã sử dụng sổ đỏ để thế chấp vay vốn tại các ngân hàng thương mại nên muốn vay lại vốn tái canh thì buộc phải trả toàn bộ số tiền đã vay để lấy lại sổ đỏ thế chấp với ngân hàng để được vay, điều này là rất khó.

Trong khi đó, chi phí cho tái canh thấp chỉ khoảng 100 - 150 triệu đồng/ha, phần tín dụng ngân hàng cho vay tối đa là 80%, số còn lại người dân tự bỏ ra nên với phần đa các gia đình khả năng kinh tế còn eo hẹp, việc tái canh trên diện tích rộng, họ còn phải đắn đo, cân nhắc.

Hầu hết người trồng cà phê đều hiểu việc tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi là việc làm tất yếu nhằm trẻ hóa vườn cà phê, tăng năng suất, nhưng thời gian tái canh dài mới có nguồn thu nhập ổn định. Trong thời gian đó, người dân lấy gì để trang trải cuộc sống, khi mà thu nhập dựa hoàn toàn vào cây cà phê. Chính vì thế, nhiều hộ dân đã chọn hình thức tái canh từng phần, tức là lô cà phê nào già cỗi hơn thì tái canh trước.

Hiện nay, các hộ nông dân thường tiến hành tái canh cuốn chiếu nhằm duy trì thu nhập trong thời gian chờ cây trồng mới cho thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng không tái canh tập trung theo từng khu vực diện tích mà tái canh nhỏ lẻ theo hình thức cây nào già cỗi không cho thu nhập thì tái canh trước, dẫn đến việc ngân hàng không xác định được diện tích tái canh thực tế nên không thể tiến hành các thủ tục cho vay vốn.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án VnSAT năm 2016 và triển khai phương hướng năm 2017, ông Hoàng Nghĩa Trí – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà chia sẻ: Vẫn biết vốn vay tái canh có lãi suất ưu đãi hơn so với vay thương mại, vay đầu tư cho sản xuất, nhưng mức chênh lệch này chưa đủ sức hấp dẫn và xét cho cùng thì nông dân vẫn khó mà tiếp cận được. Bởi thực tế, vườn cây là nguồn sống của các gia đình nên họ phải tái canh từng bước, từng phần chứ không thể làm ồ ạt một lúc được, trong khi đó, cái khó là ngân hàng chỉ cho vay theo diện tích tái canh thực tế và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo, vậy phần diện tích chưa tái canh, nông dân sẽ không thể vay được các nguồn vốn khác để tiếp tục đầu tư; chưa kể, người dân còn cần tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày nữa. Do đó, người dân sẵn sàng chấp nhận vay vốn thương mại thông thường với lãi suất cao hơn nhưng họ được chủ động về nguồn tiền vay, được vay theo đúng nhu cầu và giá trị đảm bảo của vườn cây.

 Bên cạnh đó, muốn vay được vốn tái canh cần phải có kết quả xét nghiệm đất không có tuyến trùng, không có nấm, nguồn giống phải được các cơ quan chức năng công nhận... Thủ tục rườm rà, quá trình vay vốn chịu nhiều ràng buộc nên người dân cũng không thiết tha.

Tái canh cây cà phê theo hướng sản xuất bền vững là mục tiêu của các nhà quản lý và cũng là mong muốn của nông dân. Tuy nhiên, việc làm thể nào để nông dân tiếp cận được với nguồn vốn tái canh dễ dàng hơn vẫn còn nhiều vấn đề mà ngành chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ để nguồn vốn này không còn phải nằm chờ người vay.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác