Tái canh cây cà phê ở Đăk Hà: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

10/05/2017 08:58

Tái canh được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Tuy nhiên, sau một quá trình thực hiện, ở Đăk Hà nhiều vấn đề khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là vấn đề vốn vay tái canh cây cà phê.

Nút thắt về vốn

Chương trình cho vay tái canh cây cà phê đã triển khai được một thời gian, nhưng trên địa bàn huyện Đăk Hà, mãi đến tháng 4 vừa qua mới có 4 hộ gia đình tiếp cận được nguồn vay này. Nhiều nông dân khi được hỏi đều lắc đầu nói chưa biết về chương trình này, còn những người đã biết thì tỏ ra ngán ngẩm vì hạn mức vay thấp, giải ngân theo tiến độ triển khai...

Ông Phạm Như Trại (thôn Đăk Lộc, xã Đăk Ngọk) có 2.500 cây cà phê, vừa qua, ông đã tái canh thử 200 cây và đang muốn trồng lại toàn bộ vườn cây để thay giống mới cho năng suất cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng mới chỉ nghe loáng thoáng có cho vay chứ chưa biết cụ thể là vay như thế nào, ưu đãi ra sao. Thế nên, ông Trại tính ban đầu gia đình sẽ tự túc, còn thiếu đến đâu thì sẽ vay vốn đầu tư đến đó.

Theo quy định, muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay tái canh cây cà phê, nông dân phải thoả mãn những điều kiện: vườn cây nằm trong vùng quy hoạch, kế hoạch trồng tái canh được cấp thẩm quyền phê duyệt; vườn cây sinh trưởng kém và năng suất bình quân 3 năm liền thấp dưới 2 tấn nhân/ha, không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; vườn cà phê để được tái canh từ 1 đến 3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ.

Khi thoả mãn được những điều kiện này chủ vườn mới đến Agribank để làm thủ tục vay vốn. Thế nên, với những hộ nông dân có vườn cây năng suất chưa đến mức quá thấp, chưa bị nhiễm bệnh nhưng có nhu cầu tái canh để thay thế bằng giống mới có năng suất cao hơn, chất lượng cà phê tốt hơn thì khó có thể tiếp cận với nguồn vốn vay này.

Đã có những hộ gia đình mạnh dạn tái canh. Ảnh: T.H

 

Đặc biệt, theo quy định của đề án, hạn mức cho vay tái canh tối đa là 150 triệu đồng/ha với mức lãi suất trong thời gian ân hạn là 6,5%. Nhưng theo tính toán của người dân, để trồng lại 1ha cà phê cần từ 200 – 250 triệu đồng. Ngay cả đối với doanh nghiệp, dự toán để tái canh cây cà phê cũng cao hơn rất nhiều so với mức 150 triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Thái - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 734 cho biết: Theo phương án tái canh cây cà phê của doanh nghiệp, bình quân mỗi héc ta phá đi trồng lại cần trên 230 triệu đồng. Với doanh nghiệp, ngân hàng cho vay 150 triệu/ha, còn lại đơn vị sẽ tự bỏ ra bằng nguồn vốn tự có nên cũng không có vấn đề gì đáng ngại.

Tuy nhiên, với người nông dân thì điều này không hề dễ dàng chút nào. “Nếu mức vay ưu đãi là 150 triệu đồng thì mới chỉ đủ để cày xới đất, xử lý đất, đào hố, mua phân chuồng và xuống giống cây, còn quá trình chăm sóc thì chưa có. Khi tái canh, nông dân chúng tôi làm gì có nguồn thu mà bỏ thêm vào đầu tư. Vả lại, hình thức giải ngân phân kỳ, tức là cứ làm xong một đợt, nông dân lại phải đợi cán bộ ngân hàng xuống kiểm tra, thẩm định rồi mới giải ngân tiếp thì sẽ rất phiền phức, trong khi đầu tư cho cây cà phê là phải nhanh chóng, kịp thời và phải mạnh ngay từ đầu thì mới cho thu quả sớm. Nếu ngân hàng cho vay thì mức vay phải cao hơn và giải ngân một lần thôi để chúng tôi chủ động đầu tư, nếu sợ chúng tôi sử dụng sai mục đích vốn vay thì có thể kiểm tra bằng vườn cây thực tế” - ông Dương Văn Thiếu (thôn Đăk Lộc, xã Đăk Ngọk) chia sẻ.

Mức lãi suất 6,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời gian 4 năm đầu theo nhiều nông dân là chưa thực sự hấp dẫn vì nó không chênh lệch nhiều so với các ngân hàng thương mại khác. Trong khi đó, điều kiện để được vay khắt khe, hạn mức thấp, giải ngân lắt nhắt...

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, đa phần nông dân đều có xu hướng tái canh từng phần, tái canh theo kiểu cuốn chiếu nên nhiều người rất băn khoăn vì nếu vay tái canh thì phần chưa tái canh liệu có được vay vốn đầu tư hay không. Vả lại, cái vướng lớn nhất là hầu hết hộ dân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều đang có dư nợ tại các ngân hàng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để tiếp cận với vay gói tái canh.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Chương - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Đăk Hà cho biết: Agribank sẽ cho vay song song cả phần tái canh và phần chưa tái canh theo đối tượng chăm sóc cây cà phê kinh doanh; ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn 150 triệu, nhưng phần vay vượt hiện nay ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm. Đối với những hộ hiện đang có dư nợ tại ngân hàng nếu tại Agribank Đăk Hà thì ngân hàng vẫn cho vay tái canh được, nhưng với những hộ đang còn vay vốn tại các ngân hàng khác thì Agribank vẫn cho vay nhưng phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận do UBND cấp xã cấp khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hạn mức cho vay tối đa đối với hộ gia đình không có tài sản bảo đảm như nhà cửa, xe ô tô... là 200 triệu đồng để đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; vay trên 200 triệu đồng thì nông dân cần có tài sản thế chấp.

Như vậy, rõ ràng nếu muốn vay được vốn tái canh thì người nông dân phải trả hết nợ tại các ngân hàng khác, khi đó mới lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nộp cho Ngân hàng Agribank. Mặt khác, mức vay không có tài sản thế chấp chỉ đến 200 triệu đồng cũng không hấp dẫn người dân, bởi theo như giải thích của ông Nguyễn Văn Hậu thì “giá trị vườn cây của người nông dân trên thực tế rất cao, nhưng hạn mức Agribank cho vay tái canh hiện nay thấp nên nhiều người có xu hướng vay vốn tại các ngân hàng thương mại để được vay sát với giá trị thực hơn, thủ tục cũng đơn giản hơn”.

Chưa nói đến, trong quá trình người nông dân đang vay tái canh cây cà phê, nông dân đã gửi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thế chấp tài sản với Agribank mà phát sinh nhu cầu cần thêm vốn vay để giải quyết đời sống hay sử dụng vào mục đích khác thì lại phải chờ đợi ngân hàng xem xét, cân nhắc về khả năng trả nợ rồi mới cho vay.

Vậy là, vốn cho vay thì không thiếu, nông dân thì cần vốn để tái canh nhưng lại không mặn mà bởi ngân hàng có cái lý của ngân hàng, nhưng nông dân cũng có cái khó của họ. Nút thắt về vốn vẫn đang là vấn đề chưa có lời giải chung.

Lo hậu tái canh

Việc tái canh cây cà phê cũng còn vướng là do người nông dân rất lo lắng về hậu tái canh, trong thời gian này, người nông dân sẽ không có nguồn thu để trang trải cuộc sống.

Anh Trần Đình Thành (thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn) có hơn 3.000 cây cà phê, trong đó hơn 1/3 số cây đều đã được trồng gần 30 chục năm nên đã già cỗi. Đặc biệt, vườn cà phê trồng giống cũ nên hạt nhỏ, năng suất thấp cần phải trồng mới để thay thế. Tuy nhiên, anh băn khoăn, để tái canh cây cà phê thì người dân phải chặt bỏ cây cà phê già cỗi và phải cải tạo đất ít nhất 6 tháng đến 2 năm trồng các loại cây ngắn ngày. Giai đoạn từ khi trồng cho đến khi cây cà phê cho thu mất khoảng 2-3 năm nữa, trong thời gian này người dân không có thu nhập. 

Hầu hết người trồng cà phê đều hiểu việc tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi là việc làm tất yếu nhằm trẻ hóa vườn cà phê, tăng năng suất. Nhưng việc tiến hành chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để tái canh ít nhiều tác động đến tâm lý của người dân. Bởi lẽ, thời gian sản xuất đến khi thu hoạch khá dài, người dân lấy gì để trang trải cuộc sống, khi mà thu nhập dựa hoàn toàn vào cây cà phê. Chính vì thế, nhiều hộ dân đã chọn hình thức tái canh từng phần, tức là lô cà phê nào già cỗi thì tái canh trước.

Ông Lê Văn Thái - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê 734 chia sẻ: Nhiều hộ nông dân vẫn chưa muốn tái canh vườn cà phê, một phần năng suất cũng tạm ổn, nhưng một phần họ sợ hụt nguồn thu nên chưa có nhu cầu xin tái canh. Đối với những hộ có nhu cầu, chúng tôi cũng chỉ cho tái canh từng phần để đảm bảo cuộc sống.

Tái canh cây cà phê là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm cải tạo diện tích trồng cà phê lâu năm đang bị cằn cỗi, nâng cao năng suất và chất lượng cà phê, từ đó nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, để chủ trương tái canh cây cà phê diễn ra thuận lợi, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động người dân và đặc biệt cần có giải pháp gỡ khó để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi một cách dễ dàng hơn.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác