Tác động từ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

02/07/2022 06:13

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa ban tỉnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Nghị quyết Hội Nông dân tỉnh, trong những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở tỉnh được đẩy mạnh, tạo ra những chuyển biến tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo bà Võ Thị Bích Hường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thực hiện phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, trong thời qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề… tạo điều kiện giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; xây dựng mô hình trình diễn, mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, ViệtGAP; tín chấp cho nông dân vốn vay; hỗ trợ nông dân tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… góp phần giúp nông dân vươn lên và làm giàu.

Thông qua các hoạt động trên, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế; góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, một số hộ nông dân đại diện cho người sản xuất, bàn bạc, thỏa thuận và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa. Điển hình như vùng sản xuất chuyên canh mía tại thành phố Kon Tum; trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây tại huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei; trồng cà phê ở huyện Đăk Hà; trồng các loại rau, cam sành (khu công nghệ cao) tại huyện Kon Plông…

Trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ của ông Bùi Văn Quyển, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy. Ảnh: VN

 

Trong quá trình thực hiện phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ nông dân mạnh dạn vay vốn từ các ngân hàng thương mại, Quỹ hỗ trợ nông dân hay từ nguồn vốn tích lũy đầu tư công nghệ béc tưới, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới phân qua công nghệ cảm biến tự động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ có ông Bùi Văn Quyển (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy), Nguyễn Duy Lơ (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), Trần Thị Mai (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum), Nguyễn Văn Quyết (xã Kon Đào, huyện  Đăk Tô), A Klok  (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi), A Hiếu (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà)… sản xuất cà phê, cao su, cây lấy hạt, cây ăn quả các loại thu từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Các nông dân này trở thành những tấm gương sáng cho nhiều nông dân khác học tập, làm theo.

Đồng thời, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thúc đẩy việc hình thành các loại hình trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 140 trang trại, trong đó 47 trang trại trồng trọt; 55 trang trại chăn nuôi và 38 trang trại tổng hợp. Kinh tế trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho 7.028 lao động nông thôn, trong đó có 2.925 lao động thường xuyên và 4.103 lao động thời vụ.

Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thành lập các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc là sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, các chi, tổ, hội nghề nghiệp liên kết sản xuất. Các nông dân này góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một bộ phận nông dân.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, phát huy truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái, các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn dành một phần giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo khó. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh giúp các gia đình chính sách, nông dân nghèo khó 39.678 cây, con giống các loại; 16.262 kg lương thực; giúp 17.747 lượt hộ hội viên, nông dân giảm nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, còn tích cực tham gia xây dựng các mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu”, “Đoạn đường nông dân tự quản”; “Nông dân trồng cây xanh”, “Thu gom bao gói hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác thải trong sinh hoạt bảo vệ môi trường nông thôn” và Câu lạc bộ “Nông dân với môi trường”… do các cấp Hội Nông dân vận động. Ngoài ra, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cùng với nông dân trên địa bàn ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho nhân dân bị bão lụt và ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trong và ngoài tỉnh. 

Có thể khẳng định, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển cả chiều rộng, chiều sâu, có sức lan tỏa, trở thành tâm điểm trong đời sống ở nông thôn. Và trên hết, các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có khả năng sáng tạo trong lao động sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.      

Văn Nhiên

Chuyên mục khác