29/04/2017 19:21
Trong kháng chiến, đồng bào Xê Đăng, Giẻ - Triêng có lòng yêu nước nồng nàn. Người dân đã đùm bọc, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng nằm vùng. Họ đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, ra sức lao động sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta đánh giặc. Mặt khác, đồng bào còn xây dựng lực lượng dân quân, du kích, động viên con em của mình vào bộ đội; tăng cường rèn dao, mác, cung, tên để cùng chiến đấu với quân thù.
Tháng 4/1975, cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, miền Nam được giải phóng, giang sơn liền một cõi. Hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Bà con trên vùng chiến khu xưa Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong chăm chỉ làm ăn, bắt tay xây dựng cuộc sống mới.
|
Nhờ vậy, các xã đã ngày càng nhiều đổi thay. Các tuyến đường bê tông ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thôn làng, điện lưới quốc gia được kéo đến từng nóc nhà, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt có mặt ở các làng, những ngôi nhà mới xây, trẻ em tung tăng cắp sách đến trường, bà con đi làm bằng xe mô tô chạy thênh thang trên con đường bê tông từ nơi ở đến khu sản xuất. Máy móc công nghiệp dần dần thay sức người, sức trâu, góp phần làm cho cuộc sống của mọi gia đình, mọi người ngày càng đủ đầy hơn, no ấm hơn.
Bà Y Thu (thôn La Lua, xã Đăk Choong) tâm sự: Mấy năm nay, được Nhà nước hỗ trợ giống cây cà phê, gia đình trồng được hơn 1ha. Cùng với vườn cây bời lời 5 sào, lúa, mì, đàn gia cầm và vườn cây cà phê này, gia đình tôi thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm. Có tiền, tôi mua sắm nhiều thứ đồ dùng sinh hoạt cho gia đình, lo cho con cái học hành. Đời sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn trước đây rất nhiều.
Ông A Biên (làng Mới, xã Mường Hoong) phấn khởi cho biết: Từ khi làng chúng tôi dời đến đây theo dự án định canh định cư của Nhà nước, cuộc sống của bà con đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Có chỗ ở ổn định, điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt đầy đủ, bà con chỉ việc chăm chỉ làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phát triển, không còn đói khổ như trước đây nữa.
Còn theo bà Y Thu (thôn Kon Tua, xã Ngọc Linh), mấy năm nay, Nhà nước rất quan tâm tới cuộc sống của người dân vùng căn cứ cách mạng. Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, Nhà nước còn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Chính sách đãi ngộ với các gia đình có công với cách mạng được chính quyền địa phương thực hiện chu đáo. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng no ấm và phát triển hơn trước.
|
Là một người gắn bó lâu năm với vùng đất này, ông Đinh Thế Dơ - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đăk Glei kể: Hồi còn làm cán bộ huyện, mỗi lần vào các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong phải đi bộ 2-3 ngày mới tới nơi. Mỗi chuyến công tác trong đó, làm công tác dân vận, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... thường kéo dài từ 10-15 ngày. Gian nan, khổ ải vô vàn, không sao kể hết được. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn này đã từng bước phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu lao động, sản xuất, đời sống, học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân.
Dễ dàng nhận thấy rằng, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện và nâng cao. Một sức sống mới đang ngày càng lan tỏa, mang lại sự bình yên, no ấm trên mọi thôn làng, đến mọi gia đình của vùng chiến khu này.
Quang Định