Sức hút “Phiên chợ ngày mùa”

12/03/2024 17:08

Trong 3 ngày (từ 8-10/3),“Phiên chợ ngày mùa” được huyện Đăk Hà tổ chức tại Rừng đặc dụng Đăk Uy đã thu hút hàng nghìn lượt người dân trong tỉnh đến tham quan, mua sắm. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình “Đăk Hà ngày mùa”, và là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện (24/3/1994 - 24/3/2024).

Phiên chợ có quy mô gần 20 gian hàng, trưng bày giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản của các người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Trong đó, bên cạnh các mặt hàng nông nghiệp truyền thống, còn có nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Các mặt hàng tham gia bày bán tại phiên chợ là những sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, như các sản phẩm nông sản gồm cà phê, tiêu, gạo nếp, gạo tẻ, đậu đỗ các loại; trái cây, rau, củ, quả, nấm ăn các loại và các loại thực phẩm khô như măng le, chuối sấy. Ngoài ra, phiên chợ cũng được các xã, HTX, doanh nghiệp, hộ cá nhân mang đến thực phẩm chế biến như mật ong, thảo dược, tinh bột nghệ, nấm dược liệu và các loại hoa tươi, cây cảnh, cây giống, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng để giới thiệu sản phẩm, trao đổi, mua bán.

Người dân thích thú đến phiên chợ. Ảnh: PN

 

Dựa trên ý tưởng tái hiện không gian ngày mùa, các gian hàng tham gia “Phiên chợ ngày mùa” được các địa phương, doanh nghiệp xây dựng bằng vật liệu tự nhiên như gỗ, tranh, tre, nứa. Ngoài ra, tại phiên chợ, cũng được bố trí đội nghệ nhân trình diễn và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện như đan lát, dệt thổ cẩm. Đặc biệt, không gian phiên chợ được làm ngay trong khu rừng đặc dụng khá mát mẻ, tạo cơ hội cho người dân tham quan, mua sắm và qua đó giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách trong và ngoài huyện.

Ông Nguyễn Văn Dần- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà cho biết: Chuẩn bị cho phiên chợ, chúng tôi vận động bà con lựa chọn những sản phẩm do chính tay mình làm ra, bảo đảm an toàn, sạch, chất lượng để giới thiệu với du khách. Bởi đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm từ đó tạo cơ hội kết nối giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa. 

Bà Vi Thị Yếm (thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk) mang đến phiên chợ các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái do chính bà tự tay dệt. Theo bà Yếm, khi nghe thông tin huyện tổ chức sự kiện này, bà đã tranh thủ ngày nghỉ để chuẩn bị. Các sản phẩm của bà Yếm tuy không phổ biến như trang phục thổ cẩm của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, nhưng cũng có nhiều du khách đến thuê mặc để chụp ảnh kỷ niệm.

“Tôi từ Thanh Hóa vào đây, người Thái ở đây cũng ít người. Nhưng ở đâu cũng thế, mình không thể quên được bản sắc của dân tộc mình. Tôi mang các sản phẩm ra đây vừa để quảng bá bản sắc dân tộc Thái, vừa để nhiều người biết đến để trao đổi nhớ bản sắc dân tộc, sau này không được quên” - bà Yếm chia sẻ.

Có mặt tại phiên chợ, chúng tôi thấy có hàng nghìn du khách và người dân trong tỉnh đến tham quan, mua sắm. Các gian hàng trưng bày được lợp bằng vật liệu tranh tre tại phiên chợ rất đặc sắc, thiết kế đẹp, cuốn hút người xem và chụp ảnh lưu niệm.

Khách hàng chọn mua sản phẩm nông nghiệp sạch tại phiên chợ. Ảnh: P.N

 

Chị Lê Thị Lý (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cho biết. Đến tham quan tại phiên chợ tôi thực sự ấn tượng bởi cách trang trí đặc sắc và tạo được nét riêng. Các gian hàng đều được làm bằng tranh tre, nứa lá tạo cho du khách một cảm giác quen thuộc. Đặc biệt, bên trong mỗi gian hàng được bày bán rất nhiều mặt hàng từ chính bàn tay người dân làm ra, khiến người mua thích thú, thỏa sức chọn lựa.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hương (trú tại huyện Đăk Tô) cho biết, các nhà tranh tại phiên chợ rất đặc sắc, thiết kế đẹp, cuốn hút và có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, thỏa sức chọn lựa.

Ông Hà Tiến- Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết, phiên chợ "Đăk Hà ngày mùa" nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện. Sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương. Thông qua chương trình nhằm góp phần tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống. thu hút khách du lịch.

"Địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa khi chỉ cách trung tâm tỉnh khoảng 20km, có điều kiện đất đai, khí hậu tự nhiên thuận lợi, có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Đặc biệt, huyện có rừng đặc dụng Đăk Uy diện tích trên 500ha với quần thể cây gỗ trắc quý hiếm bậc nhất cả nước. Trong những năm qua, tận dụng những ưu thế hiện có, huyện Đăk Hà đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa và nhận được nhiều huân chương, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng"- ông Hà Tiến nói.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác