Sức bật sau nửa chặng đường

06/07/2023 13:11

Không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng, sau hơn 2 năm nỗ lực thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, kinh tế tỉnh ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Tăng trưởng mạnh mẽ 

Theo UBND tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 được triển khai trong điều kiện khó khăn và thách thức đều vượt ngoài dự báo, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, cùng với đó là tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được những kết quả quan trọng trong nửa đầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Mới đây, tại báo cáo số 206/BC-UBND ngày 30/6/2023 về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức 6,8%, cao nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 22 cả nước.

Trong mức tăng trưởng chung 6,8% thì nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,67 điểm phần trăm; nhóm ngành Công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,97 điểm phần trăm (trong đó Công nghiệp đóng góp 3,32 điểm phần trăm); nhóm ngành Thương mại và dịch vụ đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn. Ảnh: T.H

 

Nhìn tổng thể, tăng trưởng kinh tế của tỉnh hằng năm tương đối khá, bình quân giai đoạn 2021-2022 tăng 8,14%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Tỷ trọng các ngành Công nghiệp - xây dựng tăng từ 26,38% (năm 2020) lên 31,82% (năm 2022); tỷ trọng ngành Nông nghiệp giảm từ 19,75% (năm 2020) xuống còn 19,19% (năm 2022).

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng (năm 2020) lên 53,2 triệu đồng (năm 2022), ước đạt 57,8 triệu đồng (năm 2023).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng dần qua các năm, bình quân giai đoạn 2021-2022 tăng 16%/năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng năm 2023 đạt 12.231 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2021-2022 tăng 16,73%/năm, trong đó vốn đầu tư khu vực tư nhân chiếm khoảng 74% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thu hút đầu tư khả quan với 53 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 16.226,9 tỷ (tính từ ngày 1/1/2021 - 31/5/2023).

Đây là những con số làm nức lòng mỗi người dân Kon Tum.

Với Kon Tum- một tỉnh còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế không chỉ là “thước đo” về tình hình kinh tế, tạo tiền đề vật chất để phát triển bền vững, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Chủ động, linh hoạt và quyết liệt

Giai đoạn 2021-2025 khởi đầu với những thử thách đặc biệt gian nan và khó lường. Trong năm 2021, có thời điểm cả xã hội, cả nền kinh tế ngưng trệ hầu hết các hoạt động để tập trung chống dịch Covid – 19.

Trong những tình huống ngặt nghèo đó, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền đã được chứng minh.

Sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt thể hiện rất rõ trong triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, về ứng phó với dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Từ đó kinh tế tỉnh ta nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng được thời cơ để tăng tốc phát triển trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo động lực tăng trưởng. Ảnh: T.H

 

Tất nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục quyết tâm khắc phục, như tiến độ triển khai các dự án thu hút đầu tư còn chậm; nông nghiệp chưa phát huy được yếu tố lợi thế và gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ; hàng nông sản xuất khẩu thô còn chiếm tỷ trọng lớn.

Thu hút đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công một số dự án còn thấp. Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Nhiệm vụ trong nửa chặng đường còn lại là khá nặng nề. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, chúng ta có đủ quyết tâm và sức mạnh để “về đích”.

Nhiệm vụ cần tập trung hiện nay là hoàn thiện, tổ chức triển khai thực hiện có kết quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác, làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, có cơ cấu hợp lý. Tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, theo dõi, đôn đốc các dự án đã thu hút đầu tư hoàn thành dự án theo tiến độ đã đăng ký.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Mở rộng và phát triển bền vững các loại cây trồng chủ lực như cây ăn quả, mắc ca, sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác.

Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, gắn với quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương.

Duy trì và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.         

Thành Hưng

Chuyên mục khác