01/05/2020 13:01
Ngược dòng thời gian, trước giải phóng, Ngọc Hồi là “vùng đất lửa” với nhiều trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Khi cuộc chiến kết thúc, hòa bình lập lại, người dân ở khu vực Ngọc Hồi cùng hân hoan hòa chung với niềm vui chiến thắng của dân tộc. Thế nhưng, chiến tranh cũng để lại cho mảnh đất Ngọc Hồi những hậu quả nặng nề do bom đạn tàn phá. Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội của Ngọc Hồi lạc hậu, thấp kém; đời sống của người dân khó khăn, tỷ lệ dân số đói nghèo chiếm đa số…
Trước bộn bề khó khăn ấy, các làng đồng bào DTTS trên địa bàn Ngọc Hồi sinh sống ở những vùng rừng núi hoang vu được vận động, di dời về bố trí tại những vùng thuận lợi để tập trung cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân nhằm tạo nên những đổi thay về kinh tế- xã hội.
Công cuộc kiến thiết xây dựng lại sau chiến tranh được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể. Các phong trào thi đua lao động sản xuất được phát động rộng khắp đến từng các thôn làng. Đồng bào các dân tộc trong huyện Ngọc Hồi tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển chăn nuôi gia súc.
Do vết thương chiến tranh để lại khá nặng nề nên đến khi tái lập tỉnh (năm 1991 tỉnh Kon Tum được tái lập và Ngọc Hồi được thành lập ngày 15/10/1991) dù đã có nhiều cố gắng nhưng đời sống của người dân còn rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn khá cao. Ngọc Hồi vẫn còn là một huyện nghèo.
Với quyết tâm đưa Ngọc Hồi sớm thoát khỏi huyện nghèo, ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Ngọc Hồi vừa tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, vừa định hướng phát triển lâu dài trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
|
Cùng với việc đề ra chủ trương và biện pháp tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh vận động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện Ngọc Hồi quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Tích cực vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đề ra chủ trương đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, quan tâm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân…
Nhờ vậy, sau 45 năm giải phóng và gần 30 năm thành lập, đến nay, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ngọc Hồi không ngừng phát triển, hệ thống chính trị vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Kinh tế- xã hội huyện luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt khá; sản xuất nông-lâm nghiệp-dịch vụ phát triển khá toàn diện.
Đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi được đầu tư khá đồng bộ, 100% số xã và hơn 90% thôn làng có đường ô tô đi được trong cả 2 mùa. Hệ thống giao thông các tuyến Quốc lộ như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14C không chỉ kết nối vùng miền trong nước mà hệ thống giao thông còn kết nối với các nước trong khu vực bởi Quốc lộ 40 qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư đến huyện.
Cơ cấu kinh tế của huyện Ngọc Hồi từ chỗ chủ yếu dựa vào nông nghiệp đang chuyển dần sang tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, xây dựng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đời sống người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 43,6% năm 2000 xuống còn xuống dưới 9% (năm 2015) và đến năm 2019 giảm còn 5,33%. Đến nay, 76/76 thôn làng trên địa bàn đều được dùng điện lưới quốc gia. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những thành công nhất định; đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đăk Nông, Đăk Kan, Pờ Y và Đăk Dục; các xã còn lại đều đạt từ 9 -15 tiêu chí.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội được chính quyền huyện Ngọc Hồi quan tâm chỉ đạo đầu tư đúng mức, đáp ứng phục vụ nhu cầu đời sống mọi mặt của người dân. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học được mở rộng. Hoạt động văn hoá, thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học được triển khai rộng khắp. Đến nay, toàn huyện có tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu tổ, thôn văn hoá là 95%, tỷ lệ cơ quan văn hoá đạt trên 75%, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 82% và 100% xã, thị trấn của huyện có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…
Để tạo ra sự sầm uất của huyện biên giới Ngọc Hồi như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vươn lên trên những chặng đường đầy gian khó, qua từng giai đoạn, nhất là việc xây nền móng hạ tầng xã hội vững chắc nhằm làm tiền đề để phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng- an ninh khu vực biên giới. Nhờ vậy mà từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, bây giờ đã tạo ra hướng sản xuất hàng hóa với diện tích cây công nghiệp gần 12.000 ha. Nhiều trang trại được hình thành, đầu tư theo hướng sản xuất công nghệ sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu địa phương và thị trường.
Chia sẻ niềm vui trước sự phát triển vượt bậc của huyện Ngọc Hồi sau 45 năm- kể từ ngày đất nước thống nhất, ông Trương Văn Mơn (thị trấn Plei Kần; người từng là lính đặc công tham gia chiến đấu tại địa bàn huyện Ngọc Hồi từ năm 1968 và ở lại sinh sống vùng đất này) tâm sự: Chúng tôi rất vui mừng trước sự phát triển của huyện Ngọc Hồi. Ngày nay, giao thông đi lại trên địa bàn rất thuận tiện, không còn cảnh đường lầy vào mùa mưa, bụi mù khi nắng nữa; Nhà nước tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người dân sản xuất, phát triển kinh tế, không còn cảnh đói, nghèo như trước kia…
Với địa thế là trung tâm tam giác phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với nhiều hoạt động buôn bán quá cảnh, nội biên nhộn nhịp, trong tương lai không xa kinh tế- xã hội của huyện biên giới Ngọc Hồi sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh, đem lại hạnh phúc, ấm no cho người dân nơi đây và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Văn Phương