Sự trỗi dậy của hàng Việt

05/11/2018 06:59

Dù chưa có số liệu khảo sát chính thức, nhưng tôi tin vào nhận định của một chủ cửa hàng tạp hóa lớn đưa ra là: có khoảng 70% – 90% số người tiêu dùng sẵn sàng chọn mua hàng hóa được sản xuất trong nước. Điều đó cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của hàng Việt...

Chị Luân có một cửa hàng tạp hóa lớn ở đường Thi Sách (thành phố Kon Tum).

Không giống như một cửa hàng tạp hóa bán dăm thứ "lặt vặt" ta quen mắt ở các góc phố, cửa hàng của chị Luân giống một siêu thị mini hơn, với đủ loại hàng hóa, được sắp xếp, trưng bày theo chủng loại, nhãn mác, giá cả dán sẵn, người mua cứ việc lựa chọn thoải mái, sau đó ra quầy tính tiền.

Hàng sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế đấy anh ạ - vừa bấm máy tính cộng tiền hàng cho khách, chị Luân vừa nói, khi tôi hỏi dò về mức tiêu thụ hàng nội.

Sản phẩm sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế trên các kệ hàng siêu thị. Ảnh: T.H

 

Không nói đến mặt hàng bia rượu, nước giải khát, chỉ riêng mặt hàng bánh kẹo, với các thương hiệu mạnh như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, rồi thực phẩm chế biến sẵn như Vissan... luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng - chị Luân dẫn chứng.

Theo chị Luân, nếu như trước đây, các loại xà phòng, mỹ phẩm, dầu gội đầu, kem đánh răng... có xuất xứ Thái Lan gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường thì nay các sản phẩm có xuất xứ trong nước đã và đang trỗi dậy chiếm ưu thế.

Cách đây không lâu, cũng chính chị Luân đã bày tỏ băn khoăn về nỗi lo hàng Thái Lan đang "làm mưa làm gió" trên thị trường. Theo chị, hàng Thái Lan có mặt ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, siêu thị. Chủng loại hàng thì phong phú vô cùng, từ cây tăm bông, nước rửa chén, đôi dép, bát đũa, chổi lau nhà đến hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo, các mặt hàng điện tử, điện máy…

Và hệ quả là "người người dùng hàng Thái, nhà nhà dùng hàng Thái", không tivi, tủ lạnh, máy giặt thì cũng mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng… Người ta rỉ tai nhau, hàng Thái “bền đẹp lại không đắt hơn hàng nội bao nhiêu”.

Nhưng bây giờ thì khác, người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng nội nhiều hơn. Trên kệ hàng của chị Luân, hơn 90% các mặt hàng bày bán là hàng nội. Hầu như những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều có trong cửa hàng của chị Luân, và cửa hàng của chị luôn đông khách.

Vậy đâu là lý do của sự trỗi dẫy ấy?

Qua tham khảo ý kiến của một số người tiêu dùng, có thể thấy rằng, một trong những yếu tố chính đó là Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. "Người tiêu dùng hiện nay đều biết đến Cuộc vận động này- chị Trần Hiền Vy (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) nói - Điều đó cho thấy Cuộc vận động thật sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc trong mỗi con người.

Bên cạnh đó, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, giành thế chủ động trên "sân nhà", các doanh nghiệp trong nước chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; có nhiều chính sách hỗ trợ về giá, thực hiện nhiều chương trình bán hàng khuyến mãi - chị Nguyễn Thị Thu Hoa (đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Kon Tum) nhận xét.

Thực tế diễn biến thị trường thời gian qua chứng minh cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của hàng Việt. Nếu như trước đây, bước vào năm học mới, các mặt hàng phục vụ học tập đa phần có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, thì năm nay lại "đảo chiều".

Dạo qua một số nhà sách tại thành phố Kon Tum hay các huyện, đa số các mặt hàng sách, đồ dùng học tập được bày bán đều có nguồn gốc, xuất xứ trong nước, chiếm khoảng 70 - 80%, với mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Một chủ nhà sách trên đường Trần Phú cho hay, khi mua đồ dùng học tập cho con em, đại đa số khách hàng đều lựa chọn các sản phẩm trong nước, từ ba lô, đèn bàn, hộp bút, đến bút chì, thước kẻ, tẩy…

Hay gần đây nhất là Tết Trung thu, với việc các nhà sản xuất trong nước đã đưa ra thị trường đủ chủng loại bánh với giá cả và mẫu mã đa dạng, hàng nội đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, hầu hết các gian hàng bánh Trung thu trên địa bàn tỉnh đều bày bán sản phẩm của những thương hiệu lớn, thỉnh thoảng mới thấy dòng bánh ngoại nhập từ Malaysia, Đài Loan, nhưng theo tiết lộ của người bán, do giá bán cao nên ít người mua.

Một số loại bánh giá rẻ của Trung Quốc cũng xuất hiện nhưng không bán được do người tiêu dùng e ngại về chất lượng, không an toàn cho sức khỏe.

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, nhận thức và thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.

Dòng chữ "Made in Viet Nam” đã chiếm tỷ lệ lớn tại các cửa hàng, siêu thị. Các nhóm hàng điện dân dụng, nhóm hàng tiêu dùng (quần áo, trang phục, mũ, túi, giày dép, xà phòng, mỹ phẩm, dầu gội đầu, kem đánh răng, xoong, nồi, chảo, bàn ăn, ấm chén...) sản xuất trong nước đang nhận được sự ủng hộ cao của người tiêu dùng.

Đặc biệt, tại các siêu thị Co.opmart, Vinmart (thành phố Kon Tum), các loại trái cây, rau củ quả an toàn đang chiếm ưu thế, trong đó có một số mặt hàng "made in Kon Tum".

Rau, quả an toàn nội địa ''lên ngôi''. Ảnh: T.H

 

"Nếu như trước đây, khi các loại trái cây nhập ngoại như táo Úc, nho Mỹ... thường được ưu tiên lựa chọn thì nay người tiêu dùng lại chủ yếu chọn hàng trong nước- một chị phụ nữ đang lựa trái cây ở siêu thị Co.opmart cho hay.

Thành Hưng

Chuyên mục khác