Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tài trợ

06/08/2019 13:00

Các công trình giao thông nông thôn (GTNT) tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc 6 huyện trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương...

Trong năm 2018, tỉnh Kon Tum được bố trí từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len 16,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 10 công trình cấp bách tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. 

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 798, ngày 31/7/2018 giao Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư 4 công trình tại các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Glei; giao UBND các xã Đăk Sao, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan, Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) và Sa Bình, Hơ Moong (huyện Sa Thầy) làm chủ đầu tư 6 công trình.

Theo đó, huyện Kon Plông xây dựng đường GTNT tại thôn Tu Rằng (giai đoạn 2), xã Măng Cành; huyện Kon Rẫy xây dựng đường đi khu sản xuất Đăk Nâm tại thôn 2, xã Đăk Pne; huyện Đăk Hà xây dựng đường GTNT từ thôn 4 đi thôn 3, xã Đăk Ui; huyện Đăk Glei xây dựng cầu tràn qua suối Đăk Lát 1 tại xã Đăk Kroong.

Huyện Tu Mơ Rông xây dựng đường từ thôn Năng Lớn 2 đi khu sản xuất tại xã Đăk Sao; đường đi khu sản xuất tại thôn Mô Bành (nhánh 2), xã Đăk Rơ Ông; đường đi khu sản xuất tại thôn Đăk Prông, xã Đăk Tờ Kan; cầu treo qua suối Y Hai tại thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri. Huyện Sa Thầy xây dựng đường GTNT nội vùng tại thôn Ka Bầy, xã Sa Bình và đường đi khu sản xuất đập Đăk Nui 3 (giai đoạn 2) tại xã Hơ Moong.

Tất cả các công trình GTNT kể trên đều thực hiện dựa trên nhu cầu cấp thiết của địa phương và nguyện vọng của nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài nguồn vốn 16,4 tỷ đồng do Chính phủ Ai Len tài trợ, nhân dân các xã còn hiến đất và tài sản gắn liền trên đất để giải phóng mặt bằng với tổng số tiền sau khi được quy đổi là 520 triệu đồng.

Ông Trần Văn Nết – Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, năm 2017, thôn Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) được đầu tư làm 812,1m đường bê tông nội thôn (giai đoạn 1) từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Ai Len tài trợ. Năm 2018, cũng từ nguồn vốn trên, thôn Tu Rằng tiếp tục được hỗ trợ làm đường bê tông (giai đoạn 2) tiếp nối với đường giai đoạn 1 đi thôn Kon Tu Rằng.

Công trình giai đoạn 2 ở thôn Tu Rằng được xây dựng theo tiêu chuẩn đường GTNT cấp B theo TCVN 10380:2014, có chiều dài 447,68m, nền đường rộng 4m, mặt đường rộng 3m, móng cấp phối đá dăm, mặt bê tông xi măng, có  cống thoát nước ngang và rãnh thoát nước dọc. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len hơn 1,999 tỷ đồng, 12 hộ dân hiến 1.823m2 đất (quy đổi thành tiền 38 triệu đồng).

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình giai đoạn 2 đã giúp bà con nhân dân đi lại và sản xuất thuận lợi, không còn vất vả như trước kia- ông Trần Văn Nết đánh giá.

Ông A Đoang (thôn Tu Rằng) cho hay, trước đây vào mùa mưa hàng năm, đoạn đường trên sình lầy, ông phải đi đường khác mới lên được rẫy của mình. Khi làm đường bê tông, gia đình ông tự nguyện hiến 205m2 đất. Bây giờ con đường hoàn thành, mọi người trong thôn đi lại đỡ vất vả, việc vận chuyển nông sản, vật tư sản xuất cũng thuận lợi hơn nhiều.

18 hộ dân ở thôn 4 và thôn 3 (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) cũng tự nguyện hiến 2.750m2 đất để xây dựng công trình đường GTNT từ thôn 4 đi thôn 3. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 1,746 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len hơn 1,699 tỷ đồng. Công trình có quy mô đầu tư đường GTNT cấp B theo TCVN 10380:2014, dài 873,13m, mặt đường rộng 3m, bê tông dày 18cm…

Ông Trần Đinh Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui đánh giá, sau khi đoạn đường từ thôn 4 đi thôn 3 được đổ bê tông, việc đi lại của bà con nhân dân của 7/11 thôn trên địa bàn xã đến 3 khu sản xuất Đăk Nông, Đăk Mát và Đăk Ring, cũng như việc đi lại học hành của các cháu học sinh của thôn 3 và thôn 4 tại các trường ngoài trung tâm xã rất thuận lợi. Nhất là việc thương lái vào tận nhà thu mua nông sản nên giá trị nông sản, vật nuôi tăng lên, bà con rất phấn khởi.

Có đường bê tông mới, việc đi lại và sản xuất của bà con nhân dân xã Đăk Ui rất thuận lợi. Ảnh: ĐT

 

Theo báo cáo từ Ban Dân tộc, các công trình được khởi công xây dựng từ đầu tháng 12/2018 và hoàn thành trước tháng 4/2019. Qua thực tế sử dụng cho thấy, các công trình đều đạt yêu cầu về chất lượng và quan trọng là đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của bà con nhân dân.

Từ hiệu quả trên cho thấy, nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len đang được sử dụng một cách hiệu quả, góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn; cải thiện và nâng cao đời sống người dân...     

Đức Thành

Chuyên mục khác