“Sốt” gỗ cao su làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến

10/11/2017 07:09

Thời gian gần đây, việc mua gỗ cao su thanh lý của các thương lái có dấu hiệu “sốt” trở lại. Giá gỗ cao su cũng không ngừng tăng sau khi Thủ tướng ra lệnh đóng hoàn toàn việc khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu khiến việc lùng mua gỗ cao su trở nên phức tạp khi có sự cạnh trạnh của nhiều thương lái.

Anh Nguyễn Quang Phùng, một thương lái thu mua gỗ cao su ở thành phố Kon Tum cho biết: Giá cây cao su năm nay cao hơn so với mọi năm nên việc mua bán cũng cạnh tranh khốc liệt. Thương lái từ các nơi về làm giá. Người có vườn cây cao su thanh lý nghe thông tin giá thật giá ảo nên đẩy giá lên, người mua rất khó khăn để tiếp cận các vườn cao su. Dù không đủ nguồn vốn để thu gom được nhiều vườn cây, nhưng với tôi thì điều này mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng cao su.

Vào thời điểm đầu tháng 10 này, nhiều nhà vườn cho biết họ rất bất ngờ khi giá cây cao su thanh lý đột nhiên tăng cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đã trồng chưa đến 20 năm, nên lượng gỗ cao su thanh lý chỉ bán rải rác trong các huyện.

Khai thác gỗ cao su thanh lý ở phường Ngô Mây. Ảnh: L.S

 

Có mặt tại vườn cao su đang trong quá trình thanh lý của gia đình ông Nguyễn Văn Tân ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), chúng tôi ghi nhận được sự tất bật của việc cưa cắt cây để thương lái kịp tiến độ thu mua những vườn cao su thanh lý khác.

Ông Tân cho biết: Giá cây cao su mọi năm chỉ dao động ở mức từ 400.000 – 450.000 đồng/cây tuỳ theo địa hình. Vườn cây nào đường dễ vào thì bán được giá 450.000 đồng/cây, còn đường khó đi thì chỉ 400.000 đồng/cây. Nhưng năm nay, vườn của tôi mặc dù đường khó đi vẫn bán được 700.000 đồng/cây.

Với gần 2ha cao su thanh lý thì chỉ riêng việc bán cây cho thương lái ông Tân đã thu về trên 700 triệu đồng. Số tiền thu được từ cây cao su thanh lý cũng đủ để ông vừa có được lợi nhuận, vừa có tiền tiếp tục đầu tư xuống giống và chăm sóc lứa cao su tiếp theo.

Qua rồi thời gỗ cao su vô dụng, chỉ biết làm củi nung cho các lò gạch thủ công, nay trong bối cảnh gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, cây cao su già ở tuổi 25-30 năm gần đây đã trở thành mặt hàng thanh lý được đặc biệt chú ý.

Gỗ cao su có khối lượng nhẹ nhưng rất cứng, nhiều vân, đáp ứng nhu cầu trang trí, mỹ thuật. Các công ty sản xuất đồ gỗ thường mua cây cao su ngay trên đồng, chủ động cưa cắt, vận chuyển, sau đó ngâm tẩm, sấy ép hoặc cưa xẻ thành thanh, ván để chế biến thành hàng gia dụng, trang trí nội thất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ông Đào Văn Minh có vườn cao su ở xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) nhận định: Giá cây cao su tăng cao như thế này thì chắc chắn giá đất cũng phải cao. Mọi năm thì giá lên xuống thất thường nhưng năm nay giá rẫy cao su ở vùng Ngọc Réo tăng lên 400 triệu đồng/ha.

Việc tăng giá cây cao su thanh lý cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường mua đất trồng cao su sôi động trở lại và có những tác động tích cực hơn. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư chuyên mua bán đất trên địa bàn tỉnh, giá đất cao su hiện vào khoảng 300 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng/ha, trong khi năm trước chỉ khoảng 200 triệu đồng/ha. Không chỉ giá đất cao su tăng mà giá đất trồng các loại cây khác cũng tăng lên cao do sự kích thích từ giá cây cao su.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, với mức giá hiện nay thì rõ ràng người nông dân đang rất có lợi khi thanh lý vườn cao su. Nhưng chỉ nên thanh lý đối với diện tích già cỗi, hết hạn khai thác; không nên vì lợi nhuận trước mắt mà chặt bỏ cao su bán gỗ bằng mọi giá.

                                                                            Dương Lê

Chuyên mục khác